Ở vùng ngoại ô Tp.Việt Trì, làng nghề mì gạo ở xã Hùng Lô có bề dày trên 50 năm. Hiện, làng có tới 80% người dân mưu sinh hàng ngày nhờ làm bún, bánh, mì gạo. Từ năm 2004, làng nghề làm “mì khô” ở đây chính thức được các cấp ngành công nhận là làng nghề truyền thống.
Dư địa HTX làng nghề
Năm ấy khi làng nghề được công nhận, người dân xã Hùng Lô rất phấn khởi với hy vọng mở mang nghề làm mì, bún phát triển hơn.
Song chỉ sau vài năm, sản phẩm làng nghề ngày càng sút kém. Các hộ nghề sản xuất manh mún và nhỏ lẻ không đủ sức cạnh tranh thương trường. Vì nguyên nhân khó tìm đầu ra cho sản phẩm dẫn đến nhiều hộ đã phải bỏ nghề.
Thực ra, do các công đoạn làm mì khô ở xã Hùng Lô hoàn toàn thủ công, trong khi đó, giá gạo ngày càng tăng, nên giá thành đội lên. Mì Hùng Lô dù cho nổi tiếng ngon, nhưng ngoài chịu sự canh tranh về giá, còn bị cạnh tranh bởi các loại đồ khô như phở, mì ăn liền công nghiệp.
Theo phân tích của ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, vai trò kinh tế hộ làm ăn đơn lẻ đã bão hòa. Thời nay, mô hình sản xuất các hộ nghề không còn phù hợp ở các làng nghề truyền thống. Thế nên, việc liên kết lại thành lập Tổ hợp tác, HTX là tất yếu và đó cũng là sự quan tâm, tư vấn hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Nam kể lại, Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ chọn lựa hộ nghề ông Cao Đăng Duy, vốn có cơ sở sản xuất mì gạo uy tín ở làng nghề Hùng Lô, để đứng ra thành lập HTX. Bước đầu, Liên minh HTX tỉnh chủ động giới thiệu hộ nghề ông Duy hợp tác với HTX nông nghiệp Vĩnh Lại (cùng tỉnh). HTX này đã cam kết bán gạo nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm bún mì đầu ra, tạo niềm tin và chỗ dựa ban đầu để liên kết các hộ nghề ở Hùng Lô, cùng hợp tác làm ăn quy mô lớn hơn.
Trên thực tế, tháng 6/2016, dựa trên nền tảng làng nghề truyền thống, HTX mì gạo Hùng Lô đã ra đời, do ông Cao Đăng Duy làm Giám đốc HTX, đăng ký ngành nghề kinh doanh và sản xuất mì gạo, phở khô, bún khô.
Lúc đó, HTX có 9 thành viên, góp vốn điều lệ 2 tỷ đồng, cùng nhau liên kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và chung vốn đầu tư dây chuyền sản xuất mì, phở khô, bún khô sạch.
Đến ngày 15/8/2017, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Mì gạo Hùng Lô” chính thức được công nhận, do HTX mì gạo Hùng Lô là chủ sở hữu, được Nhà nước bảo hộ.
Đóng gói sản phẩm mì bún khô tại HTX mì khô Hùng Lô |
Triển vọng HTX làng nghề
Giám đốc Cao Đăng Duy cho biết nhờ quy mô sản xuất lớn hơn, HTX có đủ sức đầu tư máy làm sạch từ nguyên liệu gạo (máy vo gạo) và đó là mấu chốt làm ra sản phẩm sạch. HTX phải cải tiến công nghệ các công đoạn sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sản phẩm mì, phở, bún khô sạch của người dân Hùng Lô không sử dụng chất tẩy rửa, phụ gia và chất bảo quản, nên ngày càng được nhiều người biết đến. Thương lái khắp nơi về lấy hàng xuất bán đi các tỉnh, thành trong cả nước.
Nhờ áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX Mì gạo Hùng Lô được cải thiện rõ rệt, sản phẩm làm ra ngon, sạch, được thị trường ưa chuộng. Trên bao bì sản phẩm có in rõ tem nhãn, logo được Nhà nước bảo hộ, nơi sản xuất, địa chỉ, ngày sản xuất, hạn sử dụng...
Theo ông Duy, do người dân biết cải tiến, áp dụng tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất để có sản phẩm chất lượng, nên các cơ sở sản xuất của HTX luôn được nhiều người dân ở các địa phương khác đến tham quan, học hỏi.
Hiện nay, HTX liên tục mở mang thị trường bán sản phẩm trong tỉnh Phú Thọ và nhiều địa phương ngoài Bắc trong Nam. Mỗi tháng, HTX xuất bán 50 - 60 tấn sản phẩm, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương.
“Đầu năm 2018, HTX mì gạo Hùng Lô tiếp tục đầu tư, đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống sấy mì trị giá hơn 200 triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Một cái khó của HTX là thiếu vốn lưu động mua gạo nguyên liệu và vốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị sản xuất kinh doanh cho các hộ thành viên, từ đó tiến tới sản xuất sản phẩm đồng đều hơn và chất lượng an toàn hơn”, Giám đốc HTX Cao Đăng Duy nói.
Lưu Đoàn