Cánh đồng RAT của xã rộng hơn 2 ha tập trung ở thôn Trại Cả và thôn Cây Gạo, với các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ, rau gia vị, cà rốt...
Thực hiện trồng RAT từ năm 2016, đến nay, mô hình sản xuất RAT của xã đã thu hút 40 hộ tham gia.
Khẳng định chất lượng
Chị Đỗ Thị Văn - người tham gia trồng 3 sào rau, cho biết: “Tôi là người sản xuất, cũng là người tiêu dùng. Tôi cũng mong muốn được sử dụng sản phẩm sạch. Vì vậy, trước tiên mình phải sản xuất rau sạch, thì mới có sản phẩm sạch mà sử dụng”.
Với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/sào, trồng rau VietGAP giờ đây là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình. Chính vì vậy, sản xuất an toàn, bảo đảm kỹ thuật là điều kiện bắt buộc và tiên quyết nếu muốn sản phẩm tồn tại trên thị trường. Đó cũng là cách tạo uy tín cho người sản xuất, cũng như bảo đảm sức khỏe cho người dùng.
Do sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, người dân lại chưa quen, nên ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng.
Tuy nhiên, sau vài vụ, người dân đã dần quen với cách làm và các thao tác kỹ thuật mới. Vì vậy, việc sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP đã đi vào ổn định.
Đến nay, toàn bộ nguồn nước phục vụ cho việc tưới rau đều được lấy từ các giếng ngay tại chân ruộng. Các hộ cũng chủ động trồng ớt, kết hợp với nghệ, gừng tỏi… làm chế phẩm diệt sâu bọ.
Nhờ đó, chất lượng rau tại xã Đồng Lạc hơn hẳn các loại rau tại các địa phương được trồng theo phương thức truyền thống. Sản phẩm đã được nhiều đơn vị đặt mua với giá cao hơn 10 - 20%.
Hàng ngày, trên địa bàn xã Đồng Lạc có hàng chục tấn rau được đưa đi tiêu thụ ở các huyện, các tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm rau sạch luôn có mặt tại các công ty, siêu thị ở Hà Nội.
Liên kết sản xuất là xu hướng mới của phụ nữ Yên Thế |
Thành lập tổ liên kết
Đồng Lạc có 978 hội viên phụ nữ, trong đó đa phần là chị em làm nghề nông (trồng lúa, rau màu) và chưa có thói quen canh tác an toàn. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa theo quy định, thậm chí bị lạm dụng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Trước thực trạng trên, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ xã đã thành lập Tổ liên kết trồng RAT vào tháng 6/2017.
Tổ liên kết sản xuất RAT xã Đồng Lạc được thành lập nhằm đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm rau, củ, quả.
Đặc biệt, thông qua tổ liên kết, người sản xuất được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi với thời gian vay vốn phù hợp theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh.
Thông qua các lớp tập huấn, 100% thành viên của tổ liên kết đều nắm được những kiến thức, cách thức và các quy trình sản xuất bảo đảm an toàn. Các thành viên đều ký cam kết sản xuất RAT dưới sự giám sát của đội ngũ kỹ thuật thuộc Phòng Nông nghiệp huyện.
Thông qua tuyên truyền, hướng dẫn, thành viên tổ liên kết không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học bừa bãi. Mọi người đều áp dụng nghiêm nguyên tắc “4 đúng” trong trồng trọt, hướng tới mục tiêu xây dựng cánh đồng rau hữu cơ.
Hiệu quả về kinh tế của mô hình sản xuất rau VietGAP là điều không thể phủ nhận. Song song với đó, mô hình còn tạo được sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người dân, giúp họ hiểu được rằng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển nghề, từ đó, từng bước xây dựng thương hiệu RAT, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Như Yến