Là một xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Chợ Mới, Tân Sơn với số dân tộc Dao là 98%, đời sống nhân dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Giờ đây, bộ mặt xã Tân Sơn đã đổi thay. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Đổi thay vùng đất Tân Sơn
Đến Tân Sơn hôm nay thật dễ nhận ra diện tích đất rừng trước đây trồng lúa, ngô, khoai hay bị bỏ hoang nay đã thay bằng màu xanh của các loại rau củ quả.
Chỗ nào có đất, nơi ấy có màu xanh của rau màu. Người dân Tân Sơn đã biết bám đất để vươn lên thoát nghèo, đem lại cuộc sống ấm no, đầy đủ cho chính mình.
Ông Triệu Kim Hữu- thôn Khuổi Đeng 2, cho biết: Cuộc sống gia đình trước đây chỉ trông chờ vào việc trồng lúa, ngô, sắn nhưng chưa khi nào đủ ăn. Gia đình ông là một trong 10 hộ nghèo của xã được hỗ trợ vốn trồng rau sạch. Từ khi tham gia HTX rau sạch, gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, các con được đến trường…
Nhiều gia đình trong xã đã mua được xe vận tải, nhiều nhà có máy xay xát, máy cày và các máy công cụ khác. Nhiều nhà cao tầng, hàng trăm nhà xây cấp bốn và nhà gỗ kiên cố đã xuất hiện. Các gia đình hiện nay đã có đủ phương tiện đi lại, sinh hoạt, phương tiện nghe nhìn hiện đại.
Đến nay, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%. Đồng bào Dao nơi đây đã có một cuộc sống ổn định, đời sống thêm no ấm.
Những kết quả trên không chỉ thể hiện sự quyết tâm phát triển mọi mặt kinh tế – xã hội của các cấp ngành địa phương mà còn thể hiện vai trò to lớn của mô hình kinh tế tập thể trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại vùng đất miền núi.
Chị Lý Thị Ba- Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn-cho biết trước đây, bà con trong xã chủ yếu trồng lúa, lạc và khoai lang. Công sức, tiền của đầu tư nhiều, nhưng năm nào bà con cũng bị mất mùa, thua lỗ do đất cằn cỗi, không phù hợp với các loại cây.
Mô hình trồng rau nhà lưới của HTX |
Vai trò của HTX
Trước khó khăn của bà con, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn đã ra đời, cùng người dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rau màu theo hướng an toàn.
Các thành viên HTX đều thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc, ưu tiên sử dụng phân bón vi sinh, phân hữu cơ trong canh tác.
Sản phẩm của HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng nhãn mác truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã có mặt tại các siêu thị tại Hà Nội.
Hiện nay, ngoài trồng các loại rau, gừng, bí thơm xanh và dưa hấu là ba loại cây chủ lực của HTX. Tất cả các loại rau củ quả đều được trồng, thu hoạch, đóng gói theo quy trình nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
HTX đứng ra làm đơn vị thu mua sản phẩm cho các thành viên và bà con. Rau quả đều được kiểm tra thông qua nhật kí của các thành viên. Nếu rau không đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được thu mua.
Với mục đích đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng và an toàn, HTX Tân Sơn đã phối hợp với các cấp ngành, Hội Nông dân tập huấn kiến thức chuyên môn cho thành viên về quy trình sản xuất, quản lý HTX, thông qua đó hỗ trợ HTX xây dựng nhãn mác thương hiệu sản phẩm cũng như các thủ tục vay vốn thuận tiện. Hiện nay, một sào rau do HTX trồng đem lại lợi nhuận 40 triệu đồng/năm.
Thấy được hiệu quả của trồng rau an toàn, nhiều thành viên tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất rau an toàn do HTX quản lí là 30 ha. Rau được trồng quanh năm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đào Như