Theo Phòng NN&PTNT huyện Yên Mô, từ năm 2015 đến nay, cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có sự chuyển đổi hợp lý từ chiều rộng sang chiều sâu với nhiều hình thức sản xuất tiên tiến ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là sự hiện diện của các HTX, tổ hợp tác mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực.
Chuyển biến theo chiều sâu
Yên Thái là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam huyện Yên Mô. Dù không có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, song nhờ sự chủ động trong đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, cơ giới hóa, lĩnh vực nông nghiệp của xã vẫn có được những thành công ấn tượng.
Nông nghiệp huyện Yên Mô đang có chuyển biến mạnh mẽ theo chiều sâu (Ảnh TL). |
Năm 2017, sau khi nhận được cam kết hỗ trợ kỹ thuật từ HTX nông nghiệp Quảng Công, ông Hoàng Đình Thắng, xã Yên Thái, chuyển đổi toàn bộ 0,5 ha lúa ở khu đồng trũng, kém hiệu quả, sang trồng cà chua và dưa chuột bao tử theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường.
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, cùng sự đồng hành của HTX Quảng Công trong khâu kỹ thuật, ông Thắng có được thành công lớn ngay trong vụ đầu sản xuất, thu về gần 150 triệu đồng từ dưa chuột và cà chua công nghệ cao.
Ông Thắng chia sẻ: “100% diện tích sản xuất của tôi hiện tại đều có nhà lưới bao phủ, giúp giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá bán ổn định hơn, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Tương tự, ở xã Yên Thắng, các HTX cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại. Điển hình có HTX Vân Trà, với cây chủ lực là rau má VietGAP, hữu cơ.
Để làm quen với loại cây trồng mới này, HTX đã phải kết hợp với ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân quy trình trồng rau má bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, các thành viên được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, cải thiện và ứng dụng một số phương pháp phù hợp mới trong quá trình canh tác.
Tiêu biểu nhất là việc làm quen với quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón an toàn. Mọi hoạt động bón phân hay phun thuốc đều bảo đảm theo nguyên tắc "đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách".
Mở rộng vùng sản xuất lớn
Đại diện HTX Vân Trà cho hay, so với những loại cây rau khác, rau má có ưu điểm lớn là năng suất cao, được giá và ổn định. Rau má là loại cây có sức sống khỏe, ít sâu bệnh, sau khi cắt thu hoạch tiếp tục tưới nước, bón phân thì khoảng một tháng sau sẽ cho lứa tiếp theo và có thể khai thác trong nhiều năm.
Các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường sẽ tiếp tục được huyện mở rộng (Ảnh TL). |
Sản phẩm thu hoạch đến đâu được thương lái đến tận ruộng thu mua tới đó, với giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, sản lượng đạt 4-5 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, người dân có thể thu về từ 50-60 triệu đồng/sào.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Yên Mô, toàn huyện hiện có 38 ha sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, canh tác trong nhà lưới, tưới nước tiết kiệm cho giá trị thu nhập 300 - 500 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại đạt trên 60% diện tích. Các xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Phong đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tổ chức canh tác luân canh 4 vụ/năm các cây màu có giá trị kinh tế cao với quy mô 80 ha cho giá trị thu hoạch 300 - 350 triệu đồng/ha.
Huyện cũng tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mở rộng các vùng sản xuất rau quả hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn sinh thái với quy mô 145 ha ở các xã Yên Hòa, Yên Từ, Khánh Dương, Mai Sơn. Sản xuất vụ đông tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng đảm bảo ăn chắc, hiệu quả.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, đến nay 100% diện tích đất làm bằng máy, các trang trại, gia trại trang bị các máy chuyên dụng, trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Sản xuất chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, an toàn sinh học, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư giảm trên 50% so với năm 2015. Bên cạnh chăn nuôi các đối tượng truyền thống, các hộ đã mạnh dạn đưa các con nuôi mới có giá trị kinh tế cao như vịt trời, lợn rừng, lợn rừng lai, thỏ NewZealand...
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Trong đó, các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HTX, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác mới cho hiệu quả kinh tế cao…
Lệ Chi