Theo kế hoạch của tỉnh Thái Nguyên, năm 2023, toàn tỉnh đặt mục tiêu sẽ giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó có 3.365 hộ nghèo và 1.346 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.
Tính đến thời điểm này, kết quả giảm nghèo tại tỉnh Thái Nguyên đã đạt kế hoạch đề ra với tỷ lệ giảm 1% số hộ nghèo, giảm 0,4% số hộ cận nghèo và giảm 2% hộ nghèo là dân tộc thiểu số.
Cây chè giúp người dân thoát nghèo
HTX Chè Hảo Đạt - một trong những cơ sở sản xuất chè lớn và có tiếng trên địa bàn TP.Thái Nguyên với nhiều sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao. Hiện HTX có 10ha chè được sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ, ngoài ra HTX còn liên kết với hộ dân trong xã với diện tích 35ha.
Ngoài ra, HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho khoảng 80% số hộ trong xã. Để bảo đảm uy tín thương hiệu, từng công đoạn sản xuất, chế biến chè của HTX đều có cán bộ chuyên môn hướng dẫn, giám sát chặt chẽ, bảo đảm quy trình sản xuất VietGAP. Các công đoạn chế biến, đóng gói sản phẩm được tự động hóa trên dây chuyền sản xuất.
Người lao động tại HTX Chè Hảo Đạt có thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày |
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt cho biết, hiện nay sản lượng chè trung bình mỗi năm của HTX đạt khoảng 130 tấn/năm, trong đó 80 tấn chè Tôm Nõn, 25 tấn chè Đinh và 25 tấn chè móc câu truyền thống. Đặc biệt chè Tôm Nõn của HTX đạt OCOP 5 sao, chè Đinh đang được nâng hạng, dự kiến đạt OCOP 5 sao vào đầu năm 2024.
Tuy sản lượng không quá cao, doanh thu trung bình của HTX vẫn đạt hơn chục tỷ đồng/năm. Đồng thời, HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho 40 - 50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận.
Ngoài ra, hằng năm HTX còn thường xuyên giúp đỡ 15 hộ nghèo về vốn với số tiền 10 - 15 triệu đồng/hộ không lãi suất, hỗ trợ về kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, chế biến chè đặc sản. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của HTX, hiện đã có 40 hộ vươn lên có cuộc sống ổn định và phát triển kinh tế, trở thành những hộ khá giả.
Tạo sinh kế cho người dân từ nuôi bò
HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thành lập từ năm 2019 với 08 thành viên với diện tích sản xuất, kinh doanh hàng chục ha, trong đó gồm khu chăn nuôi, khu du lịch trải nghiệm và khu vườn đồi... Tháng 9/2022, thông qua Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, HTX bò Mông số 11 đã được Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ 100% kinh phí mua 25 con bò sinh sản và 25 con bò 3B thương phẩm trị giá 01 tỷ đồng.
Hiện HTX liên kết và thu hút khoảng 25 thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia lao động, chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò. Anh Lường Văn Nam, xóm Vân Lăng, xã Văn Lăng chia sẻ: "Trước kia tôi làm thợ xây, thời tiết nắng nóng, tiền công lại thấp nên tôi bỏ việc, bây giờ chuyển sang chăn nuôi đỡ vất vả hơn lại cho thu nhập cao hơn. Tôi thấy công việc ở đây không quá vất vả, mô hình đã mang lại hiệu quả về kinh tế cho các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn như chúng tôi…”
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện thăm mô hình HTX bò Mông số 11 |
Theo chị Nguyễn Thị Trang, giám đốc HTX bò Mông số 11, về hình thức hoạt động, HTX ký hợp đồng với từng hộ nghèo, cận nghèo và trả tiền lương hàng tháng tính theo ngày công, tối thiểu 01 triệu đồng/người/tháng. Cuối chu kỳ 5 năm, Quỹ Thiện tâm sẽ thu hồi lại 50% vốn hỗ trợ ban đầu. HTX tiếp tục vận hành 50% nguồn vốn còn lại nhằm hỗ trợ các hộ khó khăn tiếp theo cho đến khi địa phương không còn hộ nghèo. Người dân tham gia mô hình không cần đầu tư chi phí chăn nuôi, chuồng trại, không phải chịu trách nhiệm trả lại vốn vay mà chỉ cần tham gia lao động. HTX sẽ bố trí công việc, trả lương hàng tháng để thành viên có thu nhập ổn định. Hàng năm các thành viên còn được hưởng thêm quyết toán lợi nhuận định kỳ, đủ 03 năm lao động liên tục sẽ được xét hỗ trợ 01 con bò giống cái để làm tài sản riêng.
Chị Trang cho biết thêm: “Chúng tôi chăn nuôi tuần hoàn có sử dụng đệm lót sinh học. Phân bò được dùng để chăn trùn quế (giun quế), tiếp đó phân trùn quế phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như trồng rau, hoa… rất hiệu quả. Đến nay, HTX đã có những thành công bước đầu, bò sinh sản 8 con bê, về bò thương phẩm cũng đã xuất bán ra thị trường…”
Trên lộ trình xã Văn Lăng phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024, việc địa phương duy trì, phát triển các mô hình giảm nghèo như tại HTX bò Mông số 11 là giải pháp, tiền đề quan trọng tiến tới mục tiêu trọng yếu là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn bằng hoặc dưới 13%.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,1%
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 93% số xã đạt tiêu chí về thu nhập, 92% số xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn theo tiêu chí của nông thôn mới. Từ đó, thúc đẩy việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực nông thôn chỉ còn 5,1%.
Các Liên hiệp HTX đã từng bước thực hiện vai trò liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, hỗ trợ tốt hơn cho các HTX thành viên, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên của HTX, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Để kinh tế HTX phát triển nhanh, hiệu quả góp phần xoá đói giảm nghèo, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển các HTX, liên hiệp HTX theo quy mô sản xuất hàng hóa lớn, an toàn, hữu cơ; thúc đẩy, tăng cường liên kết giữa các HTX, giữa HTX với người dân và giữa HTX với các doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất của các HTX; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.
Ngoài ra, thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về phát triển HTX như, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển hạ tầng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ sản xuất an toàn, hữu cơ; hỗ trợ thu hút cán bộ về công tác tại các HTX.
Hoàng Hà