Người thợ đá cần được làm việc trong môi trường an toàn |
Nghề chế tác đá Hải Lựu là một trong nhưng nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời ở huyện Sông Lô (trước thuộc huyện Lập Thạch). Theo các cụ cao niên trong xã kể lại, nghề có từ những năm đầu của thập kỷ 20, 30 của thế kỷ XX. Nơi đây có khu Đồng Trăm, Đồng Trổ với bạt ngàn đá nổi vân màu ngũ sắc, đá xanh, đá xám…
Nghề cha truyền con nối
Người dân xã Hải Lựu ở dưới chân núi Thét đa phần lấy công việc đục đẽo đá làm nghề phụ. Hàng năm khi hai vụ chiêm - mùa đã qua đi, mọi người lại chuẩn bị đồ nghề như: đòn ống, dây thừng, túi đựng dụng cụ… Để bắt đầu một quy trình tạo ra những sản phẩm bằng đá bền, đẹp phục vụ cho đời.
Sáng người thợ đá leo lên ngang sườn núi, ngắm nghía chọn lựa từng vỉa đá có thể đục đẽo, gọt dũa để trở thành các vật dụng như ý. Và rồi khi mặt trời khuất núi, họ lại cùng nhau khuân vác các khối đá nặng trịch đó về nhà. Những khi thời tiết thuận lợi, họ có thể dựng lều lán nghỉ lại qua đêm, ngày hôm sau phải huy động cả nhà dành ra hàng buổi mới khuân hết sản phẩm xuống núi.
Khi công việc chọn đá và vận chuyển đã hoàn tất, người thợ đá lại tiếp tục gọt dũa làm sao cho tác phẩm của mình trở nên hoàn hảo hơn, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng.
Để bán được những sản phẩm đã hoàn tất người dân lại phải dong duổi hàng tuần, hàng tháng xuống thuyền ngược sông Lô, xuôi sông Hồng, hoặc theo xe lăn bánh gập gềnh qua miền sơn cước... mang đồ đá đi khắp nơi tiêu thụ.
Những sản phẩm lớn như voi đá, ngựa đá, tòa sen, tượng phật, chân cột đình, bia văn tự, đỉnh lư hương, thắp nhang sân chùa, nhịp cầu bằng đá... khách hàng phải vẽ mẫu và đặt trước để bố trí cả hiệp thợ cùng làm, cùng di chuyển tác phẩm đã hoàn thành xuống núi an toàn về nơi quy định.
Có điều lạ, là nghề đục đẽo đá ở đây tuy cũng dùng đục bằng thép cứng, nhưng lại đập bằng vồ gỗ, nên trong lúc có rất đông thợ cùng làm.
Người thợ đá Hải Lựu lấy niềm vui trong lao động giữa lưng chừng núi cao lộng gió. Chỉ với cái búa, vài cái đục, cái choòng bằng sắt cộng thêm cái vồ bằng gỗ lim, gỗ sến với chiếc com pa tự tạo, đoạn dây dọi đơn sơ, người thợ đá Hải Lựu từ bao đời nay đã cung cấp đồ đá cho khắp mọi nơi.
Tạo môi trường làm việc an toàn
Nghề đá ở Hải Lựu thuộc dạng nghề “cha truyền con nối”, thế hệ này đi qua thì thế hệ kia kế tiếp. Theo những người dân Hải Lựu kể lại, trước đây, khi còn làm hoàn toàn bằng thủ công thì những em nhỏ hơn 10 tuổi đã có thể đục cối, máng, những dụng cụ đơn giản. Nhưng bây giờ thì hầu như không còn trẻ em dưới độ tuổi lao động làm nữa.
Cả xã có 1.400 hộ với hơn 6.400 nhân khẩu, thì có tới 900 lao động là chuyên về làm nghề đá. Nghề đá một thời là thế mạnh của địa phương, nay nhiều hộ đã phải chuyển nghề. Do chưa được đầu tư kịp thời về trình độ kỹ thuật cho các lao động nên chưa đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thêm vào đó, nghề làm đá vất vả, mệt nhọc và cũng đầy hiểm nguy.
Do cách làm việc kiểu truyền thống, nên những người thợ nơi đây cũng không hề có những trang thiết bị bảo hộ lao động cần thiết. Bị mảnh đá văng ra làm sây sát chân tay, bụi đá làm mắt đau họng rát là chuyện thường ngày ở đây. Rồi những khi đục khối đá lớn, hay vận chuyển đá, hay sản phẩm thô từ núi về làng cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Để nghề đá Hải Lựu phát triển lâu dài trong giai đoạn hiện nay, không chỉ là sản xuất kinh doanh, mà ở tầm cao hơn - giữ gìn bản sắc văn hóa, một sản phẩm đặc trưng của một vùng miền, thiết nghĩ cơ quan chức năng các cấp liên quan cần có sự quan tâm, như nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ… để người thợ đá nơi đây được làm việc trong môi trường an toàn, tạo ra những sản phẩm mang đậm nét truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc Việt.
Ngọc Hải