Huyện Quang Bình hiện có trên 3.000 ha chè Shan tuyết, tổng diện tích chè chăm sóc theo hướng VietGAP 1.189 ha và 300 ha chè hữu cơ. Sản lượng búp tươi hàng năm đạt 12.000 tấn, giá trị kinh tế đạt từ 96 - 120 tỷ đồng.
Huyện Quang Bình lấy cây chè Shan tuyết là cây chủ lực (Ảnh: TL) |
Sản phẩm chủ lực
Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đóng góp vào chương trình của tỉnh Hà Giang 4 sản phẩm đạt hạng 3, 4 sao. Trong đó, 2 sản phẩm đạt 4 sao là chè Shan tuyết chất lượng cao của HTX Minh Quang (xã Xuân Minh), 2 sản phẩm đạt 3 sao là chè Shan tuyết Quang Sơn của hộ kinh doanh Lý Chàn Tòng (xã Tiên Nguyên).
Xác định rõ vị trí địa lý và thời tiết khắc nghiệt nơi miền núi cao ít có cây nông sản nào cho hiệu quả kinh tế cao, huyện Quang Bình đã hướng đến lấy chè Shan tuyết là cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương. Với hướng đi đúng này, sản phẩm chè ở Quang Bình không ngừng được nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu.
Anh Lý Chàn Tòng, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên đã kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết Quang Sơn từ khá lâu. Mỗi năm, cơ sở của anh thu mua, chế biến khoảng 10 tấn chè xanh, với giá 150.000 đồng/kg, gia đình anh thu lãi trên 400 triệu đồng.
Từ khi thực hiện Chương trình OCOP của huyện, anh chú trọng hơn đến chất lượng nguồn nguyên liệu, ký hợp đồng với người trồng chè để đảm bảo sản xuất đúng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, sạch. Bên cạnh đó, anh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi quy cách mẫu mã để có sản phẩm đẹp về hình thức nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng, hương vị.
Anh Phùn Sùn Chòi, Giám đốc HTX Minh Quang, thôn Minh Sơn, xã Xuân Minh, cho biết: HTX được thành lập tháng 7/2018 với tổng vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Mỗi năm, HTX thu mua trên 200 tấn chè tươi, sản xuất các sản phẩm chè như: Hồng trà, Bạch trà, trà Tuyết nõn, trà xanh, bột Matcha… Trong đó, Bạch trà và trà Tuyết nõn là thượng hạng nhất, có giá bán từ 600.000 - 1,8 triệu đồng/kg. Với hương vị chè thơm ngon, đảm bảo chất lượng cao nên 3 doanh nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương đã ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tổng lợi nhuận mỗi năm của HTX đạt 250 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 - 7 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Hiện nay, HTX có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP là chè Tuyết nõn hút chân không, đóng hộp loại 500 gram và 100 gram.
Nhiều giải pháp tổng thể
Lãnh đạo huyện Quang Bình cho biết, với mục tiêu phát triển các sản phẩm chè Shan tuyết đạt hạng 3, 4 và 5 sao OCOP, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, huyện chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện OCOP cho cấp ủy, chính quyền cơ sở, các doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè Shan tuyết.
Huyện cũng đã đưa đề án OCOP vào nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp. Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, mức độ hoàn thiện của các sản phẩm được huyện lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm chè Shan tuyết.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Quang Bình bước đầu có nhiều sản phẩm OCOP (Ảnh: TL) |
Đồng thời, tiến hành hoàn thiện mã số mã vạch, mã QR và tem chống hàng giả cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện… Hiện nay, sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Minh Quang hay chè Shan tuyết Quang Sơn đều được sản xuất theo chuỗi, đảm bảo chất lượng, nhãn mác rõ ràng và tham gia trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh, có sức tiêu thụ lớn.
Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết OCOP được đánh giá là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, đơn vị sản xuất kinh doanh.
Có thể nói, thành công bước đầu của huyện Quang Bình không thể không nhắc tới sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Hà Giang cùng với các sở, ngành. Với mục tiêu đưa các sản phẩm đặc sản của địa phương trở thành một lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, ngày 25/2/2019, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án OCOP năm 2019.
Sau một năm triển khai đề án, Chương trình OCOP tại Hà Giang đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi khi có sự góp mặt của những đặc sản nức tiếng vùng cao nguyên đá. Đến nay, Hà Giang đã có 93 hồ sơ và sản phẩm mẫu đăng ký tham gia đánh giá phân hạng cấp tỉnh của tất cả các huyện, trong đó những huyện có nhiều sản phẩm nhất là Quản Bạ (22 sản phẩm), Bắc Quang (13 sản phẩm), Hoàng Su Phì (12 sản phẩm)…
Chương trình OCOP Hà Giang bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan, đã có 2 sản phẩm đạt hạng 5 sao; 21 sản phẩm đạt 4 sao; 48 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, phải kể đến các sản phẩm như trà Shan tuyết của nhiều HTX, mật ong bạc hà cao nguyên đá, du lịch cộng đồng, thịt treo gác bếp lợn đen vùng cao Hà Giang…
Minh Phạm