Theo thống kê, toàn huyện hiện có 37 HTX đang hoạt động và 27 tổ hợp tác nông, lâm nghiệp ở 13/13 xã, thị trấn. Các HTX chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi, chế biến lâm sản, mua bán vật tư nông nghiệp, thu mua và chế biến nông sản... Hàng năm, mỗi HTX đạt doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng.
Cơ hội quảng bá thương hiệu
Với mục tiêu khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương, huyện Bắc Mê đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, nâng năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.
Bắc Mê nổi tiếng với những cánh rừng xanh bạt ngàn và đặc sản vùng miền đặc sắc. Thực hiện Chương trình OCOP do tỉnh Hà Giang phát động cách đây gần 2 năm, với điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng lãnh đạo huyện đã dám nghĩ, dám làm, đưa ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả để những sản phẩm vùng miền này đến được tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Dựa trên các sản phẩm nông sản của địa phương, huyện Bắc Mê đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển, vận động các hộ dân tổ chức lại sản xuất; thực hiện chính sách hỗ trợ mẫu mã bao bì, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại...
Đến nay trên địa bàn huyện đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó sản phẩm 4 sao là tinh bột nghệ vàng của HTX dịch vụ Nông lâm nghiệp Ngọc Sơn; sản phẩm 3 sao như: gia vị tinh dầu hồi lọ 20ml, gia vị tinh dầu hồi lọ 30ml của HTX Thanh niên khởi nghiệp Thành Công.
Sản phẩm của Bắc Mê được đánh giá cao ở Chương trình OCOP (Ảnh: TL) |
Từ chương trình OCOP của huyện Bắc Mê, nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng như: tinh bột nghệ vàng, gia vị tinh dầu hồi... Những sản phẩm này không chỉ được bán tại thị trường trong tỉnh mà còn mang ra tỉnh ngoài tiêu thụ, nhiều khách hàng đã biết đến thương hiệu của Bắc Mê.
Mới đây, HTX Thanh niên khởi nghiệp Thành Công giới thiệu 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, như: gia vị tinh dầu hồi lọ 20ml, gia vị tinh dầu hồi lọ 30ml.
“Tham dự Chương trình OCOP là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm, tạo thêm nguồn sinh kế cho thành viên HTX. Sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường; HTX rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong tổ chức quản lý, mở rộng, tạo vùng nguyên liệu sản xuất bền vững”, đại diện HTX Thanh niên khởi nghiệp Thành Công nói.
Nâng cao đời sống kinh tế cho người dân
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thương hiệu nông sản địa phương, Bắc Mê vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Trước hết là tư tưởng và nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về chương trình OCOP; chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm; sự vào cuộc của người dân và các tổ chức, cá nhân còn hạn chế; sản phẩm đặc thù còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Các doanh nghiệp, HTX và người dân chưa chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm...
Để thương hiệu nông sản địa phương phát triển bền vững, huyện Bắc Mê đã xác định rõ đây là chương trình mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định để người dân yêu tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Vì vậy, huyện đã quy hoạch chi tiết vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Xây dựng cơ chế hỗ trợ các mô hình dự án, mẫu mã bao bì cho các sản phẩm tham gia chu trình OCOP. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với Chương trình OCOP, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sản phẩm OCOP của Bắc Mê đã dần khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường (Ảnh: TL) |
Thời gian qua, huyện Bắc Mê đã hỗ trợ cho các tổ chức, HTX trên địa bàn tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của huyện tại các lễ hội truyền thống, hội chợ thương mại, các hội nghị, hội thảo được tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm trưng bày chủ yếu, như: rượu ngô Phú Nam, rượu ngô Bắc Mê; chè Shan tuyết Bắc Mê, tinh dầu Hồi, gạo các loại, tinh bột nghệ, các sản phẩm từ tinh bột nghệ, chuối tiêu, đậu tương, vải thổ cẩm…
Đến nay, huyện đã xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm tinh bột nghệ và nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tinh dầu Hồi Bắc Mê; xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm từ bột nghệ, nhãn hiệu rượu Phú Nam, rượu Bắc Mê.
Huyện đăng ký 5 HTX, 1 nhóm hộ dân và 26 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; trong đó có 14 sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm, 3 sản phẩm thuộc nhóm ngành đồ uống, 8 sản phẩm thuộc nhóm ngành thảo dược, 1 sản phẩm dịch vụ du lịch địa phương. Trong số 26 sản phẩm, có 5 sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP năm 2019; các sản phẩm còn lại, huyện đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để tham gia chương trình trong những năm tiếp theo.
Lãnh đạo UBND huyện Bắc Mê cho biết, Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn mà còn giúp người dân trên địa bàn giải quyết những vấn đề quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính chủ động, sáng tạo phát triển kinh tế tại địa phương.
Ngoài ra, đây được coi là hướng đi đúng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương gắn với phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch cộng đồng và định hướng cho các sản phẩm vươn ra tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Điều quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân từ tiềm năng tài nguyên đất đai, tạo việc làm cho lao động địa phương; góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phạm Minh