Theo UBND tỉnh Hà Giang, cả tỉnh có 4 vùng nuôi ong từ cây hoa bạc hà, trong đó huyện Yên Minh là một trong những khu vực có chất lượng mật ong hoa bạc hà tốt nhất.
Tinh tuý từ đất trời
Cây bạc hà Hà Giang chỉ phát triển trong điều kiện 1.000m – 1.800m so với mực nước biển. Cây thường mọc từ tháng 7 dương lịch trên các triền núi cao. Cây phát triển tốt ở trong những ruộng ngô, khi được ngô che phủ.
Thời điểm cây ra hoa là cuối tháng 10 dương lịch, hoa nở rộ tới trong khoảng thời gian 2 tháng. Hoa bạc hà chính là nguồn thức ăn quý báu cho ong để có được mật ong bạc hà chất lượng tốt nhất. Ở những nơi hoa nở rộ, người nuôi ong sẽ di chuyển đàn ong ra gần đó để thuận lợi cho ong kiếm mật. Trong mùa mật ong bạc hà, người nuôi ong thông thường phải di chuyển đàn ong 3 lần.
Được thiên nhiên ưu đãi, nằm trong vùng nguyên liệu nuôi ong, nên HTX Hoa Bạc Hà, huyện Yên Minh có nhiều lợi thế phát triển đàn ong, cũng như sản xuất ra sản phẩm mật ong đặc biệt này.
Trở lại với câu chuyện của HTX Hoa Bạc Hà, được thành lập cuối năm 2017, với ngành nghề chính là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Sau 2 năm phát triển, HTX có 12 thành viên, tập trung vào chăn nuôi ong lấy mật, với tổng số đàn ong HTX hiện có trên 650 tổ, sản lượng mật năm 2019 đạt khoảng 2.900 lít, doanh thu bình quân khoảng 100 triệu đồng/ thành viên.
Hoa bạc hà, tinh tuý thiên nhiên từ đất trời chỉ được mọc trên cao nguyên núi đá (Ảnh: TL) |
Dù mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng HTX Hoa Bạc Hà cho thấy cách làm bài bản, khoa học trong xây dựng thương hiện sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của HTX có 3 mẫu, được đóng vào các loại chai có thể tích: 100 ml, 250 ml và 350 ml.
Điều đáng ghi nhận là tất cả các sản phẩm này đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh cuối năm 2019 vừa qua. Sản phẩm được đóng hộp, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bắt mắt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Anh Nguyễn Văn Cương, Giám đốc HTX Hoa Bạc Hà, cho biết để có được sản phẩm mật ong đạt chất lượng cao, lọt vào được trong các tiêu chí của OCOP, phương châm của HTX Hoa Bạc Hà nuôi 100% giống ong nội địa phương.
Bên cạnh đó, các thành viên đều tuân thủ và thực hiện chung quy trình nuôi ong để đảm bảo chất lượng mật như chỉ thu mật vào mùa hoa bạc hà, đàn ong được lựa chọn đặt ở những nơi có nguồn hoa bạc hà nhiều nhất, không đặt ở những nơi ô nhiễm, kết hợp bảo vệ cây bạc hà khi đến vụ. Đặc biệt, HTX quán triệt tuyệt đối việc nuôi ong bằng mật hoa tự nhiên, không nuôi bằng đường…
Tuân thủ quy trình
Theo Giám đốc HTX Hoa Bạc Hà, có được kết quả trên là do các thành viên HTX được tập huấn quy trình, kỹ thuật nuôi, khai thác mật ong theo hướng dẫn của các ngành chức năng từ quay mật đến khi bán sản phẩm ra ngoài thị trường.
Ngay từ khâu khai thác mật, các thành viên HTX đều phải đảm bảo chỉ khi nào trên sáp ong tất cả đều vít nắp mật và vào những ngày nắng ấm mới thực hiện quay mật, không quay trong những ngày mưa hay sương mù, rét. Mật khi quay xong phải được lọc tạp chất cẩn thận. Sau khi mật được chuyển về đơn vị sản xuất sẽ tiếp tục được lọc lại một lần nữa đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tạp chất trong quá trình quay mật. Đồng thời được đưa vào máy hạ thủy phần đảm bảo xuống dưới mức 21% theo đúng tiêu chuẩn của chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Bạc hà của Hà Giang do Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận.
Cho tới thời điểm hiện tại, HTX Hoa Bạc Hà hiện là đơn vị duy nhất của huyện Yên Minh có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. HTX đang tiếp tục thực hiện các hướng dẫn của tỉnh và huyện để nâng hạng sao của các sản phẩm mật ong hiện có.
Để có được những chai mật ong chất lượng tốt, HTX Hoa Bạc Hà tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, liên kết thêm các thành viên, hội viên có truyền thống, kinh nghiệm nuôi ong, mở rộng quy mô, xây dựng vùng nguyên liệu cây bạc hà riêng của HTX để chủ động trong khai thác nguồn mật và nghiên cứu chế biến một số sản phẩm mới từ mật ong bạc hà như mật ong chanh đào, mật ong gừng, rượu mật ong, rượu sữa ong chúa… Qua đó, tiếp tục khẳng định đơn vị đi đầu trong thực hiện Đề án OCOP, cũng như lĩnh vực chăn nuôi ong của huyện.
Theo thống kê của sở Nông nghiệp Hà Giang, cả tỉnh có 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn có cây bạc hà với tổng diện tích trên 4.125,45ha; trong đó Đồng Văn 1.000 ha; Mèo Vạc 1.244ha; Quản Bạ 732ha và Yên Minh 1.149,45ha. Đây được coi là 1 tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển ngành nuôi ong chất lượng cao.
Năm 2013, thương hiệu “Mật ong Bạc Hà” của Hà Giang đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Từ khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, mật ong bạc hà của Hà Giang không ngừng được mở rộng vùng sản xuất, nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Với giá bán bình quân hiện nay từ 750.000 - 800.000 đồng/lít, có thời điểm tới 900.000 đồng/lít.
Minh Phạm