Dịp này, cánh đồng trồng hành lá ở Hương An đang vào vụ thu hoạch cận tết. Sau đó, nông dân tiếp tục gieo hạt vụ hành Tết Nguyên đán.
Đầu tư sản xuất quy mô lớn
Theo người dân, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 2 âm lịch là thời điểm thuận lợi nhất cho hành phát triển, nên các hộ tích cực mở rộng sản xuất.
Cây hành ở Hương An phát triển, có mùi thơm khác biệt là do phù hợp với chất đất và nguồn nước tại địa phương. Do đó, hành Hương An được thị trường ưa chuộng, người dân sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Tuy nhiên, theo các thành viên HTX Hương An, để phát triển trồng hành quy mô lớn không phải dễ vì trồng trên diện tích bỏ hoang hoặc chuyển đổi từ một phần diện tích trồng lúa. Để thuận lợi cho cây hành phát triển, HTX đã cùng địa phương xây dựng hệ thống tưới, khoan giếng...
Trồng hành lá cho thu nhập cao hơn trồng lúa. |
Các thành viên HTX và người dân cũng áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng hành. Qua quá trình chăm sóc cho thấy, hành lá là loại cây trồng ít sâu bệnh nhưng phải chăm sóc thường xuyên, luôn giữ cho đất ẩm để cây phát triển tốt nhất. Việc tiêu úng cũng phải quan tâm, tránh tình trạng mất trắng sau mưa lũ.
Ông Hồ Phước Đoàn, Giám đốc HTX nông nghiệp Hương An cho biết, có nhiều hộ đã tham gia HTX trồng hành. Điều này tạo thuận lợi cho việc nắm bắt diện tích, năng suất, giúp HTX có kế hoạch sản xuất, từ đó tạo thuận lợi cho bao tiêu đầu ra, ký kết hợp đồng với doang nghiệp, nhà thu mua. Hiện, số thành viên tham gia HTX là gần 200 người.
Đến nay, tất cả diện tích trồng hành của HTX nông nghiệp Hương An được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và được Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế trao giấy chứng nhận. Chính vì vậy, việc tiêu thụ rất thuận lợi, hành Hương An có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Theo tính toán của các thành viên HTX, thông thường, mỗi vụ hành có thời gian trung bình 60 - 65 ngày là có thể thu hoạch, tuy nhiên, hành lá kết hoa và nở rộ từ ngày thứ 80 trở đi, đến khoảng 100 ngày hoa bắt đầu rụng dần. Ngoài lấy hoa, nhiều hộ còn dùng cây con mới phát triển (tầm 40 ngày) để tiếp tục gieo trồng. Lựa chọn cách này bởi theo các thành viên, giống hành truyền thống đặc trưng ở Hương An vốn có tiếng và được nhiều người ưa chuộng nên việc giữ giống được người dân quan tâm.
Hiện, chỉ riêng HTX Hương An đang có 17ha hành VietGAP. Ngoài diện tích này, địa phương còn có hơn 300 hộ tự trồng hành, đưa tổng diện tích hành của Hương An lên 100ha.
Theo tính toán, với giá hành lá trên thị trường dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg, có những lúc cao điểm lên tới 60 nghìn đồng/kg, người dân có thu nhập cao hơn một số loại cây trồng khác. Thống kê cho thấy, cây hành giúp mang về nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân Hương An.
Bà Phạm Thị Xuân, người trồng hành tại địa phương cho biết, trung bình một luống hành cho thu hơn 2 triệu đồng, trong khi trước đây trồng 1 sào lúa, lúc cao nhất cũng chỉ thu về khoảng 1,5 triệu đồng.
“Những hộ sản xuất nhỏ lẻ như chúng tôi mỗi năm có thể thu lãi từ 50-60 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí từ trồng hành. Còn những hộ làm trong HTX, sản xuất quy mô lớn có thể thu vè hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, bà Xuân chia sẻ.
Bước đi dài hơi
Theo đánh giá của lãnh đạo thị xã Hương Trà, mô hình kinh tế từ trồng hành lá đã từng bước cho thấy sự phù hợp, hiệu quả đối với người dân và điều kiện tự nhiên của địa phương. Chính quyền thị xã đang tiếp tục phối hợp với người dân, HTX mở rộng diện tích trồng, nâng cao số lượng cũng như chất lượng sản phẩm hành lá.
Ngoài ra, địa phương sẽ bổ sung, hỗ trợ kinh phí để đầu tư thêm các hạng mục như: giếng tưới, lưới điện, đường nội đồng, hệ thống rào chắn, đường đi..., cùng người dân, HTX phát triển cây trồng chủ lực này. Hiện, mỗi ngày, Hương An xuất ra thị trường từ 12 – 15 tấn hành đi các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Phát triển trồng hành hàng hóa đang đóng góp tích cực vào quá trình giảm nghèo của địa phương. Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn giảm từ 7,03% (năm 2016) hiện xuống còn dưới 2%.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với nhiều hộ trồng hành ở Hương An là thiếu nguồn nhân lực nên khâu gieo trồng, chăm sóc còn gặp những khó khăn nhất định, người dân khó mở rộng diện tích. Đi liền với đó, số lượng người dân tham gia HTX còn khiêm tốn nên chưa tạo thuận lợi cho việc nâng cao thu nhập cho người dân.
Vì vậy, chính quyền thị xã Hương Trà cần quan tâm giải quyết những khó khăn này để người dân, HTX tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo từ cây hành.
Minh Nhương