Hiện nay, Việt Nam có khoảng 640 cơ sở chế biến chè công nghiệp và hơn 1000 cơ sở chế biến nhỏ với tổng công suất khoảng 1100 tấn búp tươi/ngày, trong đó chế biến chè xuất khẩu có công suất 620-650 tấn búp tươi/ngày. Tỷ lệ chè chế biến công nghiệp đạt 60%, còn lại là chế biến thủ công tại các hộ gia đình với hình thức đơn giản thô sơ, thiếu các điều kiện sơ chế tối thiểu như phơi, sấy, bảo quản…
Gia tăng giá trị sản phẩm
Trước thực trạng đó, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chuyển giao công nghệ sấy lạnh và xây dựng mô hình sản xuất chè ướp hương hoa chất lượng cao cho các HTX” để giúp HTX đa dạng hóa và gia tăng giá trị sản phẩm chè.
Chè Shan tuyết trên dãy núi Tây Côn Lĩnh |
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Chủ nhiệm đề tài cho biết trong các phương pháp sấy, sấy lạnh đang là công nghệ được ứng dụng nhiều trong việc chế biến bảo quản nông sản với nhiều ưu điểm giúp sản phẩm không bị mất màu, biến chất, tiết kiệm thời gian sấy… giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu hay mô hình ứng dụng nào sử dụng thiết bị sấy lạnh để sản xuất chè ướp hoa ở khu vực HTX.
Vì thế, nhóm thực hiện đề tài đã lựa chọn HTX Tây Côn Lĩnh, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang để xây dựng thí điểm mô hình. HTX Tây Côn Lĩnh được thành lập năm 2014 với 32 thành viên, hoạt động chủ yếu là sản xuất và chế biến đặc sản trà shan tuyết cổ thụ ở núi cao Hà Giang. HTX Tây Côn Lĩnh đã thực hiện liên kết với với các gia đình có chè shan tuyết cổ thụ để mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất lên hơn 600 ha; đồng thời đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho bà con.
Ngoài việc đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, phát triển thương hiệu chè Shan tuyết và sản xuất sạch, HTX Tây Côn Lĩnh còn tìm tòi tạo ra những sản phẩm chất lượng. Hiện nay, HTX đang có một số sản phẩm như: Hồng Trà, Trà trắng, Trà Xanh, Cao trà… và chưa có sản phẩm chè ướp hoa.
Chia sẻ về nhu cầu và hướng phát triển sản phẩm chè, Ban Giám đốc HTX cho biết HTX Tây Côn Lĩnh đang có nhu cầu phát triển sản phẩm chè ướp hương hoa nhằm đa dạng hóa thêm cho sản phẩm của HTX. Khi được Trung tâm KHCN&MT lựa chọn để xây dựng thí điểm mô hình, HTX được hỗ trợ 1 máy đóng gói hút chân không trị giá 20 triệu đồng. Ngoài ra, HTX cũng đối ứng 1 máy sấy lạnh.
Mô hình phù hợp với HTX
Kết quả từ khi ứng dụng công nghệ sấy lạnh và xây dựng mô hình sản xuất chè ướp hương hoa chất lượng cao cho thấy: Để sản xuất ra được 1 kg chè ướp hoa bưởi thành phẩm thì tổng chi phí là 334.000 đồng, trong khi đó giá tại thị trường đang dao động từ 700.000 đến 800.000 đồng, lãi ước tính đạt 350.000 đến 450.000 đồng/kg.
Để sản xuất ra được 1 kg chè ướp hoa nhài thành phẩm, tổng chi phí là 305.000 đồng, trong khi đó giá tại thị trường đang dao động từ 600.000 đến 700.000 nghìn đồng, lãi ước tính đạt 300.000 – 400.000 đồng/kg.
Sản phẩm chè ướp hoa tươi còn có ưu điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng. Mô hình này đã giúp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chè trên thị trường phục vụ nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ và thiết bị còn nâng cao trình độ sản xuất, tổ chức quản lý của thành viên trong HTX, tạo thêm nguồn thu ổn định cho thành viên và người lao động.
Có thể khẳng định, mô hình ứng dụng công nghệ sấy lạnh trong sản xuất chè ướp hương là mô hình phù hợp với khả năng và điều kiện của các HTX. Quy trình sản xuất chè ướp hương bằng công nghệ sấy lạnh dễ áp dụng, sản phẩm chè có giá trị kinh tế cao được nhiều người ưa chuộng. Điều này cho thấy đây vừa là mô hình kinh tế bền vững, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Hà Xuyên