Hiện, toàn tỉnh đang có 4 sản phẩm là cam, bưởi, lúa, chè được chú trọng đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ.
“Cai” thuốc hóa học cho cây
Cây bưởi diễn được người dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đưa từ Hà Nội về trồng. Nhưng do sản xuất tự do, chưa nắm vững kỹ thuật nên hầu như hộ nào cũng dùng phân vô cơ, thuốc kích thích như “phép màu” để cho cây lớn nhanh, chóng ra quả. Tuy nhiên chỉ được một hai năm đầu, những năm tiếp theo đất đai bạc màu, cây giảm giá trị. Lúc này, nếu không phun thuốc, bón phân vô cơ, cây liên tục bị bệnh, quả không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, khi tham gia HTX trái cây hữu cơ Phúc Ninh các thành viên buộc phải “cai” các loại phân, thuốc hóa học cho cây. Thay vào đó là sử dụng phân vi sinh do doanh nghiệp liên kết cung cấp kết hợp với thu gom phân chuồng từ một số hộ gia đình trên địa bàn thôn, xã về ủ mục bón cho cây.
Các thành viên cũng kết hợp nuôi ong để bắt côn trùng gây hại, nước được khai thác từ nguồn nước ngầm và được kiểm định rõ ràng nên bảo đảm sạch để cung cấp cho cây.
Bưởi là một trong những sản phẩm hữu cơ tiêu biểu của tỉnh |
Thay đổi cách thức chăm sóc cây tuy không đơn giản nhưng với những quy định rõ ràng khi thu mua, các thành viên đều phải tuân thủ nghiêm để có thể thu về những mùa quả ngọt. Đến nay, các thành viên đều loại bỏ phân, thuốc hóa học, thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ thành công cho diện tích bưởi của mình.
Mọi người đều nhận ra rằng thất bại trong sản xuất chính là việc bón phân vô cơ quá nhiều, khiến cây bị sốc. Việc lạm dụng phân hoá học, thuốc kích thích với suy nghĩ bón nhiều để cây xanh tốt, lâu dần thành thói quen, bón quá liều lượng, khiến cây không chịu nổi và đất quá tải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kết quả là mưa xuống, nắng lên, cây chết yểu, sản phẩm làm ra kém chất lượng, không bảo quản được lâu do hàm lượng hoá chất quá nhiều.
Tuy nhiên hiện nay, 13 ha bưởi của HTX đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Với sản phẩm bảo đảm chất lượng, HTX tự tin cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ. Trung bình 1 ha bưởi cho doanh thu 800-1 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với trồng bưởi thông thường.
Mô hình sản xuất của HTX tiếp tục được duy trì và mở rộng bởi nó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và người nông dân khi họ canh tác trong môi trường an toàn và nói không với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…
Chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ
Không chỉ HTX trái cây hữu cơ Phúc Ninh mà hiện nay, không ít mô hình sản xuất đã lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm giải quyết bài toán nâng cao giá trị sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường như: HTX dịch vụ Phong Lưu (xã Yên Phú), HTX sản xuất thương mại Quỳnh Nhi (phường Nông Tiến), HTX chè hữu cơ Ngân Sơn (xã Trung Long) HTX chè hữu cơ Sơn Trà (xã Hồng Thái)…
Sự khác biệt rõ nhất giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất an toàn hay sản xuất thông thường là ở quy trình sản xuất: Sản xuất hữu cơ tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học, thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ. Trong đó, ngay cả sản xuất theo phương pháp an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chính vì vậy, nếu so về chất lượng và lợi ích môi trường thì sản xuất hữu cơ vẫn bảo đảm bền vững hơn.
Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX chè hữu cơ Sơn Trà, cho biết nếu sử dụng phân và thuốc vô cơ lâu dài sẽ để lại nhiều hệ lụy với môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản vì chỉ khoảng 50% lượng phân, thuốc được cây trồng hấp thụ, 50% còn lại sẽ bị rửa trôi, thẩm thấu vào nguồn nước hoặc bay hơi…
HTX Sơn Trà tự hào khi sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ |
Sản xuất hữu cơ đang là xu hướng tất yếu. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đang hỗ trợ người nông dân, tổ hợp tác, HTX chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường... để đưa nông sản tỉnh vươn xa hơn.
Với mục tiêu đến năm 2025, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã triển khai các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang; hỗ trợ các THT, HTX, doanh nghiệp triển khai ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, Tuyên Quang cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học nâng cao trình độ sản xuất cho bà con, có chiến lược quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.
Toàn tỉnh có 17 chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn; 3 ha lúa hữu cơ, 21 ha chè hữu cơ, 33 ha cam hữu cơ và 57ha bưởi hữu cơ. Bên cạnh đó là sự trợ lực của 232 HTX hoạt động hiệu quả. Đây là những nền tảng vững chắc để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Định hướng của tỉnh là sẽ chuyển đổi tất cả các mặt hàng nông sản sang hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm cả ở trong và ngoài nước.
Huyền Trang