Từng có thời gian học tập và sinh sống trong miền Nam, anh Vũ Văn Phóng (1984), Giám đốc HTX SXDV & TM Nông sản Học Phát được mục sở thị nhiều mô hình nông nghiệp tiên tiến. Nhận thấy thực trạng, cây thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao nhưng chưa được trồng phổ biến ở miền Bắc, người thanh niên nung nấu ý định “rước” giống cây này về đất Bắc để phát triển.
Tiên phong trồng thanh long ruột đỏ trên đất Bắc
Gần 10 năm gắn bó với cây thanh long, anh Phóng làm chủ quy trình chăm sóc cây và chia sẻ với bà con xung quanh. Cũng từ đây, những người trẻ đồng chí hướng quyết định thành lập HTX để chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Thanh long ruột đỏ năng suất hơn thang long ruột trắng từ 5 vụ |
Anh Phóng cho biết, thời tiết miền Bắc mưa nắng thất thường, hai mùa nóng, lạnh rõ rệt nên quá trình chăm sóc cây thanh long “tưởng dễ mà khó”. Người trồng cần lựa chọn giống sạch bệnh, không bị thoái hóa giống. Rễ cây phát triển mạnh, ăn nổi trên mặt đất nên phải trồng nông, bón phân hữu cơ 2 lần/tháng.
Thanh long chính vụ kéo dài 45 ngày/lứa, từ tháng 5 tới tháng 9. Lứa thanh long Tết có thể kéo dài từ 2 – 3 tháng do thời tiết lạnh, cây khó thụ phấn và đơm hoa kết trái. Người trồng thanh long cần thực hiện biện pháp “xông đèn” để tạo ánh sáng và hơi ấm, kích thích cây ra quả.
Cũng theo anh, ngắt râu cho thanh long là một trong những khâu vô cùng quan trọng để quả thanh long có mã đẹp. Khi hoa tàn, người trồng ngắt râu để tránh quả bị đọng nước, nhiễm nấm, đồng thời tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả.
Điểm sáng tạo trong mô hình thanh long hữu cơ ở HTX Học Phát là trồng những rãnh sen, xen kẽ trong vườn thanh long nhằm thanh lọc nguồn nước tưới, đồng thời thu hàng chục triệu đồng từ việc bán hoa sen, đài sen,...
Anh Phóng đã chia sẻ giống và kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ cho hàng trăm mô hình ở miền Bắc. Trước và sau mỗi vụ, HTX tổ chức các buổi gặp mặt để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng bằng cả hai hình thức online và offline.
Liên tục đổi mới, làm chủ công nghệ
HTX Học Phát gồm 9 thành viên, đa phần là thanh niên, khá nhanh nhạy với khoa học kỹ thuật. Nắm bắt điểm mạnh này, anh Vũ Văn Phóng mạnh dạn đưa công nghệ tưới tự động của Israel trên gần 20ha thanh long. Người dân chỉ cần bật công tắc trong 30 phút, hệ thống sẽ tự động tưới nước, phân bón đều từ gốc tới ngọn. Phân bón sinh học được ngâm từ rỉ đường, đỗ tương, cá và men vi sinh giúp cây phát triển tốt, không tồn dư chất hóa học và không gây thoái hóa đất.
Người dân thu hoạch thanh long 2 lần/tháng, mỗi trái thanh long nặng từ 300g đến 1 kg |
Hướng tới giải pháp trồng bền vững, 100% thành viên HTX hiện đang nắm vững kỹ thuật trồng thanh long theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP. Áp dụng 50% công nghệ sinh học, 50% phương pháp hữu cơ để thanh long ruột đỏ cho sản lượng cao, quả ngọt thanh, đẹp mã.
Nhờ canh tác an toàn, tổng sản lượng thanh long của HTX đạt 550 – 600 tấn/năm, tăng gấp đôi so với những năm đầu. Tiếng lành vang xa, đến vụ thanh long, các tiểu thương nườm nượp ra vào, mang theo những thùng lớn, nhỏ thanh long, tiêu thụ rộng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Ninh… Với giá bán trung bình từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giúp các hộ thành viên “đổi đời”, mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Anh Vũ Văn Phóng, Giám đốc HTX Học Phát chia sẻ: Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho HTX về quỹ đất, truyền thông, pháp lý, xúc tiến thương mại…
Tuy nhiên, điều vị giám đốc HTX này luôn trăn trở là chưa đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên do thị trường nông sản, các mối tiêu thụ hoa quả chưa bền vững. Bên cạnh việc mở rộng diện tích canh tác, định hướng năm 2020 của HTX là mở rộng thị trường, tìm kiếm những đầu mối lâu dài cho các hộ thành viên.
Bên cạnh trồng cây thanh long, HTX đang tiến hành trồng thử nghiệm một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như vú sữa hoàng kim, mãng cầu xiêm, mít Thái… sẵn sàng cho một bước đột phá mới trên mảnh đất Vĩnh Xá.
Xuân Mai