Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại là giải pháp tối ưu cho sản phẩm của các HTX. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, gay gắt hiện nay thì việc quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm của các HTX, nhất là các sản phẩm nông nghiệp thông qua ứng dụng thương mại điện tử càng trở nên cần thiết.
Thiếu sức cạnh tranh vì hạn chế ứng dụng
Nêu câu chuyện về các mặt hàng nông sản tại một số địa phương trong cả nước trong những năm qua, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đặt vấn đề: Người nông dân, thành viên các HTX sản xuất ra sản phẩm đã là cả một quá trình, một công đoạn đầu tư về vật chất, sức lực, trí tuệ.
Tuy nhiên, nếu nông sản làm ra như các loại rau, quả dưa hấu, thanh long mà không tiêu thụ được trong thời gian từ 1 tuần đến 10 ngày thì chỉ có nước đổ bỏ hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và ủ làm phân bón. Việc này đã gây thất thu lớn cho nông dân, HTX, đồng thời ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các chính sách của Nhà nước về bình ổn và tạo lập thị trường tiêu thụ nông sản bền vững.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, việc ứng dụng thương mại điện tử trong các HTX để quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại là xu thế tất yếu |
“Tại thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19, các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản không biết chỗ bán, người mua cũng không dễ mua nên nông sản ế ẩm. Nếu các doanh nghiệp, HTX ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại hoặc mở rộng việc bán hàng thông qua Zalo, Facebook thì sẽ hạn chế được thiệt hại do dịch bệnh gây ra”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Trần Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Tuyên truyền - Liên minh HTX Việt Nam, qua khảo sát từ đầu năm 2019 đến tháng 3/2020 với gần 350 HTX thì có khoảng 21% HTX, (tương đương với 74 HTX) sử dụng máy tính. Số HTX có máy tính nhưng kết nối Internet cũng chỉ chiếm khoảng 70% (tức khoảng 52 HTX). Đáng chú ý, chỉ có chưa đến 10% số HTX (khoảng 7 HTX) có trang web để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Chỉ có khoảng 19% số HTX sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Sàn giao dịch thương mại điện tử của HTX đang mang lại hiệu quả tích cực (Ảnh:TL) |
“Đây là con số quá thấp trong bối cảnh cạnh tranh thương mại điện tử toàn cầu đang diễn ra gay gắt hiện nay. Nếu không có chính sách khắc phục bằng việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ số cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX, nhất là trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng các chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc thì việc cạnh tranh các sản phẩm của HTX hết sức khó khăn, nhất là đối với nông sản, thực phẩm của các HTX nông nghiệp”, ông Việt phân tích.
Ứng dụng nhanh, hiệu quả sớm
Nêu ví dụ về việc ứng công nghệ số trong thương mại điện tử tại tỉnh Thanh Hoá, ông Lê Tuấn An, Tổng giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, hàng năm tỉnh Thanh Hoá cung ứng ra thị trường khoảng 23.000 tấn gạo, 12.000 tấn rau quả, 5.200 tấn thịt, 7 triệu quả trứng, 6.500 tấn thủy sản... Tuy nhiên, các kênh thông tin từ nhà sản xuất đến kênh phân phối và người tiêu dùng còn thiếu và yếu, nhất là đối với các hộ sản xuất, các HTX. Có tới 85% sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh sản xuất ra được phân phối tới người tiêu dùng chủ yếu thông qua hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm, nông sản nhỏ lẻ. Mới có khoảng 10% được phân phối thông qua hệ thống liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi giá trị.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng gặp gỡ, kết nối giao thương, giúp cơ quan chức năng phát huy được vai trò quản lý, giám sát, tháng 3/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư, xây dựng phầm mềm kết nối cung, cầu nông sản, thực phẩm an toàn.
Từ khi khai trương phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa tại địa chỉ https://nongsanantoanthanhhoa.vn đã có nhiều doanh nghiệp, HTX, cá nhân tham gia giao dịch. Tại đây, việc đăng ký thành viên, đăng các sản phẩm nông sản trên phần mềm rất nhanh chóng và thuận tiện, hoàn toàn miễn phí. Qua khảo sát, chỉ 5 tháng sau khi triển khai phần mềm, đã thu hút 296 sản phẩm đăng ký giao dịch của 108 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất.
Nghi thức khai trương phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: TL) |
“Qua phần mềm, người dân dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm nông sản, thực phẩm có nguồn cung cấp uy tín, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, kiểm chứng, hồ sơ pháp lý của sản phẩm hàng hóa. Người mua hàng có thể kết nối liên lạc, trao đổi trực tiếp với nhà cung cấp, từ đó quyết định lựa chọn sản phẩm chất lượng và phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Có thể đặt hàng, thanh toán, giao hàng trực tuyến rất tiện lợi và nhanh chóng. Từ thực tế tại tỉnh Thanh Hoá cho thấy, các HTX càng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào thương mại điện tử càng nhanh, hiệu quả càng lớn”, ông An nói.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, thương mại điện tử sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Năm 2017, Việt Nam có 53,86 triệu người sử dụng internet và sẽ tăng lên 59,48 triệu người vào năm 2022. Dự kiến, doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng 20% mỗi năm và sẽ đạt 10 tỷ USD trong năm 2020.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, xu hướng phát triển thương mại điện tử hiện nay rất mạnh. Đây cũng chính là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, đồng thời là nhu cầu cấp thiết và là một trong những giải pháp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, HTX và doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững.
“Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng cường đầu tư trực tiếp, có chính sách tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội đối với việc đầu tư công nghệ thông tin, công nghệ số và triển khai hỗ trợ để hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, HTX từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng doanh thu, nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Phạm Duy