Ở Tuyên Quang, các hộ phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, do đó nguồn phân thải là rất lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới vệ sinh môi trường. Nhận thấy mô hình chăn nuôi giun quế có hiệu quả, các cấp ủy và chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi giun quế, nhằm tận dụng phân thải, thu gom phân gia súc, gia cầm, nguồn rác thải để ủ chăn nuôi giun quế góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giải quyết ô nhiễm môi trường từ nuôi giun quế
Tháng 6/2018, dự án ứng dụng kỹ thuật nuôi giun quế làm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập, Kiên Đài của huyện Chiêm Hóa được triển khai thực hiện. Sau 6 tháng thực hiện, dự án cho thấy hiệu quả kinh tế thiết thực, nhất là đối với người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã.
Mô hình nuôi giun quế của gia đình anh Hà Văn Tuấn, thôn Nà Mo, xã Yên Lập (Ảnh: Tư liệu) |
Anh Hồ Văn Tuấn, thôn Nà Mo, xã Yên Lập là hộ tiên phong thực hiện dự án cho biết, gia đình nuôi trên 2.000 con vịt và nuôi lợn thịt, trước đây nguồn chất thải của gia cầm, gia súc xử lý không triệt để. Từ khi có dự án nuôi giun quế 2 trong 1, gia đình anh Tuấn đã mạnh dạn nuôi thử trên 20 m², sau 2 tháng nuôi thì được thu hoạch, cho vịt ăn giun thấy vịt con lớn nhanh, sức đề kháng tốt, phát triển đồng đều, chi phí thức ăn giảm khoảng 20%.
Cũng giống như anh gia đình Tuấn, chị Hà Thị Bẩy, thôn Nà Mo, xã Yên Lập sở hữu đàn vịt bầu trên 1.600 con, trong đó có trên 1.000 con vịt đang trong giai đoạn sinh sản. Chị Bẩy cho biết, trước đây, để đảm bảo cho đàn vịt phát triển, mỗi ngày thức ăn tinh từ cám và các phụ phẩm nông nghiệp khác, thuốc phòng trừ dịch bệnh... chi phí hết gần 2 triệu đồng, nhất là trong giai đoạn vịt đẻ trứng thì nhu cầu về dinh dưỡng càng tăng cao.
Từ khi dự án ứng dụng kỹ thuật nuôi giun quế làm nguồn thức ăn được triển khai trên địa bàn xã, chị đã thực hiện nuôi vịt kết hợp cho ăn giun quế và thấy được hiệu quả rõ rệt. Vịt đẻ mau hơn, chất lượng trứng và chất lượng thịt vịt được đánh giá cao.
Với số lượng gia súc, gia cầm, thủy sản và đặc biệt là số đàn vịt bầu tại 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập, Kiên Đài đang tăng mạnh, việc nuôi giun quế không chỉ giúp giảm chi phí thức ăn cho vật nuôi mà còn có khả năng xử lý toàn bộ chất thải chăn nuôi, phế thải rau, củ, quả... tránh gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, phân giun quế và mùn bã sau quá trình nuôi giun là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt. Khi sử dụng giun quế trong chăn nuôi sẽ góp phần mang lại nguồn thực phẩm sạch, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Hướng đến nền nông nghiệp xanh
Nhận thấy lợi ích của mô hình này, HTX Công nghệ cao Tiến Thành (huyện Yên Sơn) cũng phối hợp với Trạm khuyến nông huyện triển khai mô hình nuôi giun quế tại tại thôn Kim Thu Ngà xã Kim Quan. Mô hình được triển khai trên quy mô 6 hộ thực hiện chăn nuôi giun quế, là những hộ nhận hợp đồng chăn nuôi trâu bò vỗ béo với HTX.
Các hộ được cấp giun giống, tập huấn quy trình chăn nuôi, kỹ thuật xây dựng bể chứa phân, mái che nắng, mưa, cách chăm sóc, thu hoạch, cách sử dụng giun và phân giun dùng trong chăn nuôi, bón cho cây trồng nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc thu gom rác thải, làm sạch môi trường xung quanh.
Thành viên HTX Nông lâm nghiệp Long Xanh cho giun ăn (Ảnh: TL) |
Không chỉ HTX Công nghệ cao Tiến Thành, HTX Nông lâm nghiệp Long Xanh (xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn) vừa đi vào hoạt động cũng triển khai mô hình nuôi giun quế khi xây dựng 1.500 m2 nhà xưởng nuôi giun quế tại xã Phú Lâm. Ông Vũ Hùng Vĩ, Phó Giám đốc HTX cho biết: Mô hình nuôi giun quế phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, lại tận dụng được nguồn chất thải từ chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường.
Đầu ra cho sản phẩm cũng tương đối đa dạng, ngoài việc bán con giống (với giá từ 15-20 nghìn đồng/kg), HTX còn bán giun thịt phục vụ chăn nuôi (giá bán từ 5 nghìn đồng/kg) và phân giun cho trồng trọt (từ 3 nghìn đồng/kg).
Môi trường sống, thức ăn của giun quế chủ yếu là phân gia súc, chính vì vậy, HTX đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ phân bò của Trang trại bò sữa Hồ Toản trên địa bàn xã Mỹ Bằng để làm thức ăn cho giun. Qua đó, giải quyết được lượng chất thải từ quá trình chăn nuôi của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, HTX đang liên kết với các hộ chăn nuôi trâu bò theo chuỗi liên kết tại các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên để hướng dẫn bà con cách ủ phân, cấy giun giống, sử dụng giun quế làm thức ăn trong chăn nuôi. Đồng thời, liên kết với một số hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Yên Sơn sử dụng phân bón để áp dụng trồng trọt theo hướng hữu cơ.
Hoàng Lê