Khi bắt đầu khởi nghiệp, anh Thảo thử nghiệm nuôi 200 m2 trùn (giun) quế, 2 con bò và vài con heo. Sau đó, diện tích nuôi trùn quế mở rộng trên 600 m2 và liên kết với các hộ trong và ngoài tỉnh khoảng 2.000 m2.
Đồng thời, anh Thảo còn phát triển đàn bò lên 8 con, đàn dê 12 con và quy hoạch khu đất 1 ha, dự kiến làm một nông trại nhỏ, phát triển mô hình khép kín nuôi bò, dê, thỏ kết hợp nuôi trùn quế và cá.
Dựa vào lợi thế của địa phương
Thấy mô hình của anh Thảo khá hiệu quả, ông Tô Văn Em – Chủ tịch Hội Nông dân xã, đã đứng ra vận động anh Thảo cùng một số thành viên tiêu biểu của các Tổ hợp tác chăn nuôi và Câu lạc bộ Khuyến nông để xây dựng mô hình nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế, tiến tới thành lập HTX.
Tháng 7/2018, HTX được thành lập với 15 thành viên, trong đó, anh Thảo làm Phó Giám đốc, phụ trách kinh doanh và kỹ thuật. Ông Trần Văn Ẩn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX.
Với số vốn điều lệ 500 triệu đồng, HTX tập trung chăn nuôi, mua bán bò sinh sản, bò thương phẩm; chăn nuôi trùn quế, mua bán các sản phẩm, phụ phẩm từ trùn quế; sản xuất rau màu, cây ăn trái.
Là HTX đầu tiên trên địa bàn xã Thuận Thới, HTX của anh Thảo sẽ phát triển dựa trên lợi thế của địa phương và năng lực hiện tại, mở rộng quy mô, ngành nghề nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giải quyết việc làm của thành viên, người lao động nông nhàn ở địa phương.
HTX đã đề ra mục tiêu chiến lược phát triển là nhằm tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh, thông qua việc tổ chức quy mô sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; cung ứng các nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ các sản phẩm đầu ra; nâng cao mức thu nhập cho thành viên, người lao động và tạo ra tích lũy ngày càng nhiều cho HTX.
Mô hình của anh Thảo phát triển dựa trên lợi thế của địa phương và năng lực hiện tại |
Lợi nhuận cao
“Việc thành lập HTX được xem là mô hình bền vững vì tận dụng các phụ phẩm, phế thải trong chăn nuôi để gia tăng giá trị, lợi nhuận trong sản xuất và có đầu ra ổn định”, ông Trần Văn Ẩn nhận định.
Là người đứng đầu HTX, ông Ẩn nuôi 4 con bò và phát triển mô hình nuôi trùn quế. Tính trung bình, mỗi con bò sẽ nuôi được khoảng 10 m2 trùn quế. Sau 4 tháng sẽ thu hoạch khoảng 1 tấn phân trùn và 20 kg trùn quế.
Hiện, giá bán phân trùn ướt là 1.500 đồng/ kg, phân trùn khô 4.000 đồng/kg, còn trùn quế có giá 45.000 – 50.000 đồng/kg. Mỗi tháng, người nuôi bò tận dụng phế phẩm nuôi trùn quế cũng thu được hơn 2,4 triệu đồng.
Nếu người nuôi trùn quế không bán phân thì có thể sử dụng để bón cho vườn cây ăn trái, rau màu, lúa đều rất tốt, vì đây là phân hữu cơ sạch, hàm lượng dinh dưỡng trong phân rất cao. Còn trùn thì được trộn cám làm thức ăn trong chăn nuôi, giúp vật nuôi mau lớn, giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
Ông Ẩn cho biết thêm đến nay đã có thêm 3 hộ đăng ký tham gia HTX. Hiện HTX đang triển khai thêm mô hình nuôi cá và trồng rau sạch thông qua việc tận dụng trùn làm thức ăn và phân trùn để chăm bón cho cây. HTX còn tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi có thêm thu nhập thông qua việc thu mua phân bò, bao tiêu phân trùn và trùn thương phẩm.
Với lợi thế là Ban Giám đốc và thành viên HTX trình độ chuyên môn cao (2 thạc sĩ, 2 kỹ sư) rất nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, HTX đã liên kết chặt chẽ với các viện, trường để được hỗ trợ về chuyên môn, đồng thời tạo mối quan hệ tốt với các HTX trong và ngoài tỉnh để cung cấp phân hữu cơ và trùn quế làm thức ăn chăn nuôi.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thuận Thới – ông Nguyễn Văn Bỉ, anh Nguyễn Văn Thảo là tấm gương thanh niên tiêu biểu, dám nghĩ dám làm. Địa phương rất cần có những người trẻ như vậy để góp phần đưa kinh tế phát triển.
Ông Tô Văn Em khẳng định: “Việc thành lập HTX đã góp phần tích cực trong việc nâng chuỗi giá trị từ chăn nuôi bò, giúp các thành viên có thêm lợi nhuận từ phế phẩm chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, qua đó còn góp phần xây dựng nông thôn mới về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm”.
Hoàng Lê