Ông Nguyễn Văn Quyến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội chia sẻ, những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều mô hình HTX trồng rau thủy canh, mang lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường.
Giàu lên nhờ chuyển đổi mô hình
Thủy canh là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng, hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Ưu điểm của phương pháp này là hệ thống giàn thủy canh cách mặt đất khoảng 80cm, nên hạn chế tối đa các mầm bệnh, sinh vật gây hại đến cây trồng.
Trong điều kiện nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, rau sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao gấp 2 lần so với sản xuất theo phương pháp thổ canh truyền thống.
Mô hình HTX trồng rau thủy canh mang lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường. |
“Mô hình trồng rau thủy canh được đưa vào sản xuất trên địa bàn Thủ đô với chi phí đầu tư không nhiều nhưng hiệu quả về năng suất lại hơn hẳn so với phương pháp trồng truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình này còn tiết kiệm được nhiều sức lao động, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn đối với môi trường và con người”, ông Quyến cho hay.
Được sự hỗ trợ của huyện Thanh Trì và UBND xã Yên Mỹ, anh Nguyễn Mạnh Hồng - Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để tiến hành trồng rau thủy canh với chi phí ban đầu lên tới gần 3 tỷ đồng cho 2,5 ha rau thủy canh trong nhà lưới.
HTX áp dụng kỹ thuật canh tác, “sạch, an toàn”, không dùng hóa chất và phân bón hóa học, đảm bảo cung cấp thực phẩm hữu cơ sạch, an toàn đến người tiêu dùng.
Để sản phẩm làm ra được thị trường và người tiêu dùng lựa chọn và tiêu thụ, anh Hồng đã chủ động nghiên cứu đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào canh tác phù hợp với thực tiễn địa phương, tạo ra sản phẩm sạch cung ứng ra thị trường.
Trang trại rau thủy canh của anh Hồng khá quy mô, đầu tư bài bản, đồng bộ với hệ thống nhà lưới, nhà bảo quản, đóng gói rau xanh. Đường đi, lối lại trong nhà lưới được đổ bê tông bằng phẳng.
Theo anh Hồng, trồng rau thủy canh thành công hay thất bại phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật pha chế nước dinh dưỡng, tức là hòa phân bón vào nước để rau hút hấp thụ. Anh sử dụng các loại phân bón đa lượng, vi lượng và trung lượng hòa tan trong nước.
Nước dinh dưỡng này được bơm tưới thẳng vào rễ cây theo chế độ tự động và theo 16 khung giờ mỗi ngày, mỗi khung giờ kéo dài 30 phút. Đây là một phương pháp trồng không tốn về đất, không tốn về nhân công, không tốn về nước, có thể giảm được 90% nước tưới, 60% nhân công và hiệu quả đạt được gấp 2 - 3 lần rau trồng bình thường.
“Trong quá trình sinh trưởng của cây rau, ngoài việc theo dõi, tỉa lá già, lá úa, ngày nào tôi cũng kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của chúng, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Trồng rau thủy canh trong nhà lưới ít xảy ra sâu bệnh hại nên hầu như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Trang trại rau thủy canh của gia đình tôi đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2018”, anh Hồng tiết lộ.
Mỗi năm, HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát thu hoạch được khoảng 200 tấn rau xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, dưa leo, dưa thơm, cà chua... Sản phẩm của HTX được bán lẻ cho các nhà hàng, khách sạn, siêu thị và trong các trường học trên địa bàn Thủ đô
Để mô hình có hiệu quả được nhân rộng, anh Hồng không ngại chia sẻ, giúp đỡ các HTX, tổ hợp tác hay các cá nhân có nhu cầu muốn khởi nghiệp và sẵn sàng trở thành cầu nối để hướng dẫn kỹ thuật, cho các HTX, cá nhân cùng phát triển.
Rau thủy canh có thể “ăn ngay tại vườn”
Tương tự, HTX Đa Tốn (huyện Gia Lâm) đang liên kết với một doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình trồng rau thủy canh. Phương pháp trồng rau thủy canh của HTX không sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật, từ đó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm đến môi trường đất và nước ngầm.
Đặc biệt, do trồng rau bằng nước nên HTX không phải lo lắng về vấn đề thiếu đất trồng hay nguồn đất trồng bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, mô hình này còn tiết kiệm được nhiều sức lao động, an toàn đối với con người.
Rau được trồng chủ yếu trong hệ thống nhà lưới, nhà kính nên hầu như rất ít sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại khác. |
Vì được sản xuất trong môi trường sạch, không hóa chất, không tác động bởi môi trường nên rau của HTX không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại. Thay vào đó, sản phẩm có thể dùng ăn ngay tại vườn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tùy theo từng loại mà cây trồng có thời gian thu hoạch khác nhau, trung bình từ khi nảy mầm đến thu hoạch là 28 - 30 ngày, riêng xà lách 40 - 45 ngày. Sau khi thu hoạch, toàn bộ giàn thủy canh được vệ sinh sạch để chuẩn bị cho đợt trồng mới.
Rau trồng theo phương pháp thủy canh có độ thành công đến 98% nên tỷ lệ hao hụt ít, hạn chế được nguồn chất thải ra môi trường. Chính vì tuân thủ nghiêm các “kỷ luật” trong sản xuất nên toàn bộ khu vực sản xuất của HTX luôn bảo đảm khép kín, sạch sẽ, thoáng mát.
Theo Ban giám đốc HTX Đa Tốn, lâu nay, kiểu canh tác truyền thống, sử dụng thuốc trừ sâu, hoá chất nhiều làm cho rau quả, hoa trái nhiễm độc, đất đai bạc màu. Thậm chí, nhiều người dân còn sử dụng chất tăng trưởng cho cây trồng khiến môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm trầm trọng…
Song song với hệ thống thủy canh, HTX còn kết hợp xây dựng nhà màng. Việc chăm sóc rau trong môi trường khép kín giúp hạn chế tối đa các tác động từ môi trường bên ngoài như nắng hạn, gió bão. Hơn nữa, các loại côn trùng, sâu bệnh cũng sẽ không có cơ hội để làm hại các loại rau màu nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo thực phẩm sạch và bảo vệ môi trường sinh thái.
Có thể thấy, mô hình trồng rau thủy canh của HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát và HTX Đa Tốn chính là một hướng đi đầy tiềm năng. Đặc biệt đối với Thủ đô, nơi đất chật, người đông, mô hình trồng rau thủy canh được coi là hướng đi lý tưởng vì vừa tạo được không gian xanh mát, vừa hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Mô hình trồng rau thủy canh đem lại rất nhiều thuận lợi, không phải tốn công làm đất, không cần tưới nước. Rau được trồng chủ yếu trong hệ thống nhà lưới, nhà kính nên tránh được các tác nhân sâu bệnh gây ra bởi côn trùng sâu bọ, vì vậy hầu như rất ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tuyệt đối nói không với hóa chất.
Hơn nữa, khi dùng kỹ thuật thủy canh, cây trồng sẽ có được môi trường sống đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu, cây sinh trưởng và phát triển nhanh, không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường.
Một xu hướng khác đang được các nhà vườn chuyên trồng thủy canh rau ưu ái lựa chọn là việc sử dụng các loại thuốc trừ bệnh cây có nguồn gốc thảo mộc, sinh học, vi sinh… Đây là các loại thuốc có tính thân thiện với môi trường, ít gây độc với con người, đặc biệt là khả năng phân hủy khá nhanh, nên ít để lại dư lượng trong sản phẩm.
Để nhân rộng cách làm hiệu quả này, trong thời gian tới, chính quyền TP Hà Nội cần tiếp tục kêu gọi thành lập các HTX có xu hướng sản xuất xanh, sạch, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản của Thủ đô. Từ đó, từng bước hình thành chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa, đồng thời tạo ra giá trị thu nhập cao hơn cho thành viên.
Đoàn Huyền