Khi mới thành lập, do khó khăn về quỹ đất cũng như diện tích mặt bằng, HTX phải thuê 3.500 m2 để sản xuất nấm hữu cơ tại xã Vĩnh Trung (TP. Nha Trang).
Giảm ô nhiễm từ thuốc hóa học
Quy trình sản xuất phôi nấm hữu cơ cần phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Mùn cưa phải xử lý để bảo đảm không có nấm gây bệnh sau đó phối trộn với cám gạo và cám bắp theo tỷ lệ nhất định, không dùng bất cứ loại phân bón nào thêm. Sau khi đóng bịch, phôi nấm được hấp thanh trùng ở nhiệt độ 100 độ C để làm sạch.
Tiếp đến là cấy giống và ủ phôi từ 30-45 ngày thì HTX có thể xuất bán phôi giống hoặc đem ra nhà trồng. Trồng nấm theo hướng hữu cơ có nghĩa là phải bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hóa học, sử dụng nguyên liệu trồng nấm cũng từ các chất hữu cơ. Việc diệt các loại côn trùng, sâu bọ chủ yếu được thực hiện bằng các loại tinh dầu.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê văn Nghị (thứ hai từ phải sang) tham quan mô hình sản xuất của HTX Vĩnh Ngọc. |
Môi trường để nấm sinh trưởng và phát triển phải luôn thoáng mát, sạch sẽ, nguồn nước tưới phải là nước hợp vệ sinh. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm cho lứa nấm vừa thu hái và năng suất cho lứa nấm lần sau thì nhất thiết phải thu hái nấm đúng độ tuổi, chỉ cần thu hoạch chậm sau vài giờ đồng hồ là nấm sẽ bị nở, già, giảm dinh dưỡng và độ thơm, ngon của sản phẩm.
Phương châm hoạt động của HTX là lấy chất lượng làm hàng đầu, không chạy theo lợi nhuận, nhất là phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, các thành viên chủ yếu sử dụng cám gạo, cám bắp làm phôi giống. Vì vậy, phôi giống bán ra thị trường sẽ không có lợi nhuận cao bằng phôi giống làm bằng phân, thuốc hóa học. Cụ thể, HTX bán 4.000 đồng/bịch nấm bào ngư và 5.000 đồng/bịch nấm linh chi, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ 500 -1.000 đồng/phôi giống. Phương pháp này đã giúp bảo đảm chất lượng nấm, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất hóa học.
Theo đánh giá của UBND TP. Nha Trang, trước thách thức của biến đổi khí hậu, nguy cơ làm gia tăng dịch bệnh đối với cây trồng và những đòi hỏi yêu cầu về chất lượng sản phẩm từ thị trường, việc HTX Vĩnh Ngọc chú trọng sản xuất nấm hữu cơ đã góp phần khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gia tăng chất lượng nông sản đồng thời bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
Giải quyết bài toán thiếu đất sản xuất
Nhận thấy nhu cầu thị trường về nấm ngày càng cao, nhưng quy mô đất mà HTX tự thuê còn nhỏ, không đáp ứng nhu cầu sản xuất, HTX đã đẩy mạnh việc liên kết sản xuất với nhiều hộ nông dân. Cụ thể, HTX chuyên sản xuất phôi nấm, bán lại cho nông dân để họ chăm sóc nấm, bán buôn, còn lại HTX bao tiêu sản phẩm để bán ra thị trường với số lượng lớn.
“Hiện HTX đã liên kết được 6 cơ sở làm nấm ở 3 tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên với hơn 30 nhà nấm, có thể cung cấp nấm cho thị trường với số lượng lớn”, ông Lê Thành Nhân, Giám đốc HTX Nấm Vĩnh Ngọc cho biết.
Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất từ 35 - 40 ngàn bịch phôi nấm, ngoài ra còn sản xuất nấm thành phẩm. Cả phôi nấm và nấm thành phẩm hiện được cung cấp chủ yếu cho 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên và đều được khách hàng đánh giá cao.
Bên cạnh việc trồng và bán phôi giống, HTX còn thực hiện chuỗi liên kết cung cấp đầu vào và nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Phú Yên, Ninh Thuận... Đây là mô hình liên kết hiệu quả nhằm giải quyết việc làm cho nông dân, giải quyết bài toán thiếu vốn và đất trồng như điều kiện của HTX hiện tại.
Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ máy móc cho HTX Vĩnh Ngọc để phục vụ mở rộng sản xuất theo hướng bền vững. |
Đặc biệt, hầu hết quá trình sản xuất của HTX đều có sự hỗ trợ của máy móc, bảo đảm quy trình sản xuất khép kín. Theo ông Lê Thành Nhân, nếu duy trì sản xuất bằng thủ công, không áp dụng tiến bộ khoa học, máy móc vào sản xuất thì năng suất lao động không cao, hiệu quả sản xuất sẽ thấp, sản phẩm không ổn định, đời sống của các thành viên cũng như người lao động không tăng lên. Vì vậy, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị vào sản xuất (tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 80%), từ đó giúp tăng năng suất lao động lên 50%, doanh thu hàng năm cũng tăng từ 10 đến 30%.
Đầu tư máy móc cũng là điều kiện để HTX đi vào chế biến các sản phẩm từ nấm như: nấm sấy khô, bột nấm, nấm ngâm rượu để gia tăng giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tận dụng các loại bã nấm sau khi trồng, HTX Vĩnh Ngọc còn đầu tư khu vườn sinh thái, làm dịch vụ hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh, trẻ em. Mỗi tuần, vườn sinh thái của HTX đón khoảng 50 - 60 lượt trẻ em đến tham quan, học trồng nấm, tập làm vườn. Nguồn thu này được HTX dùng để đầu tư, mở rộng sản xuất, qua đó nâng cao ý thức sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường đến đông đảo người dân.
Tùng Lâm