Trùn quế (giun quế) vừa trở thành nguồn thức ăn cho vật nuôi và cũng đồng thời là một "nhà máy" xử lý phân hiệu quả nhất hiện nay. Theo Ban giám đốc HTX, trùn quế là một thức ăn chứa nhiều đạm và phân trùn quế cũng rất tốt cho cây trồng. Chính vì vậy, nuôi trùn quế không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn cung cấp lượng thức ăn cho chăn nuôi và lượng phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sinh thái.
Nuôi trùn quế bằng rác
Để xử lý được rác thải, điều đầu tiên, HTX phải mua giống trùn quế và làm chuồng trại trên diện tích 1.000m2. Vì trùn quế ưa bóng râm nên toàn bộ khu vực chuồng nuôi được quây bạt đen, đồng thời hạn chế sự xâm nhập của động vật vào khu vực nuôi.
Toàn bộ chất thải sinh hoạt hữu cơ như cơm thừa, rau củ, quả, rơm rạ… và chất thải chăn nuôi được HTX thu gom và tiến hành ủ với men vi sinh trong khoảng 5-6 ngày nhằm phân giải các độc tố trong chất thải. Đây sẽ là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho trùn quế. Tính trung bình khối lượng thả nuôi trùn là 2kg/m2, mỗi ngày HTX cho ăn từ 1,5 - 2kg thức ăn/m2.
Mô hình của HTX đang tham gia xử lý được khoảng 30% chất thải nông nghiệp và chất thải từ chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện Đơn Dương. |
Sau quá trình chăn nuôi cho thấy, giun quế có sức tiêu hóa rất lớn, giúp phân giải các chất hữu cơ nhất định. Trung bình 1 tấn giun quế có thể tiêu hủy 30 tấn phân gia súc hoặc từ 30 - 40 tấn rác hữu cơ/tháng. Như vậy, trùn quế có thể xử lý chất thải hữu cơ từ gia súc gia cầm thành phân hữu cơ, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện và bảo vệ hệ sinh thái.
Chị Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc HTX, cho biết hiện nay khối lượng rác thải trên toàn tỉnh đang tăng và thật may mắn là trùn quế lại có thể giải quyết được vấn đề này. Rất nhiều địa phương đã áp dụng phương pháp nuôi trùn quế để xử lý phế thải giúp làm sạch và bảo vệ môi trường được tốt hơn.
Việc ứng dụng công nghệ vi sinh vào quá trình nuôi trùn quế còn giúp môi trường chăn nuôi của HTX rất trong lành, không có mùi hôi nên hoạt động sản xuất hoàn toàn không ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Đa dạng sản phẩm
Trong quá trình xử lý phế thải, những chất hữu cơ sẽ được chuyển hóa thành phân bón hữu cơ. Ngoài ra, HTX còn tiến hành thu hoạch trùn quế làm thức ăn chăn nuôi và lấy dịch.
Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, đến nay, HTX có những sản phẩm như: phân trùn quế nguyên chất truyền thống, phân trùn quế nguyên chất đã xử lý và bổ sung vi sinh, dịch trùn quế tưới bón lá, dịch trùn quế cho chăn nuôi, thịt trùn quế đông lạnh, sinh khối, bộ combo xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng trùn quế, phân trùn quế ép viên...
Đối với các loại gia cầm và gia súc thì trùn quế là thức ăn ưa thích và bổ dưỡng. Trong trùn quế có tới 70% protein ở dạng thô, đây là lượng protein rất lớn tương đương với thịt cá. Điều này không những tạo ra nguồn thức ăn sạch mà còn tiết kiệm chi phí cho người chăn nuôi.
Các sản phẩm của HTX được đóng chai để thuận tiện cho vận chuyển và bảo quản. |
Đối với các loại cây trồng, phân trùn quế giúp cây hấp thu được dễ dàng hơn, từ đó mà cây trồng hay thực vật có thể hấp thu lượng nước dồi dào để phát triển. Phân của trùn quế khi được bón xuống đất sẽ khiến cho chỗ đất đó được cải tạo và tăng cường khả năng giữ nước, là yếu tố quan trọng tăng năng suất thu hoạch cho cây trồng và hạn chế sử dụng phân hóa học.
Theo Ban giám đốc HTX, phân hay dịch trùn quế đều có thể lưu trữ lâu dài và tốt hơn những sản phẩm cùng chủng loại khác nên HTX có thể cung cấp lượng lớn các loại sản phẩm từ trùn quế ra thị trường.
Hiện, những sản phẩm của HTX được cung cấp cho các hộ trồng cây ăn trái, rau hữu cơ tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các hộ gia đình có nhu cầu xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế tại nhà và tái sử dụng sản phẩm, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm thủy sản, các HTX nông nghiệp đều có thể sử dụng sản phẩm của HTX... HTX cũng thường xuyên tham gia các buổi trưng bày giới thiệu sản phẩm do huyện, tỉnh tổ chức để mở rộng đầu ra.
Với những giá trị về kinh tế và môi trường, HTX Phụ nữ trùn quế Đơn Dương đang tạo việc làm cho 9 thành viên chính thức và 16 thành viên liên kết, trong đó, tỷ lệ phụ nữ chiếm 83%. HTX tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia phân loại rác thải cũng như xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế, từ đó tận dụng sản phẩm để trồng rau sạch và chăn nuôi sạch.
Như Yến