Theo thống kê, toàn xã Tân Hưng đang có gần 2 ha trồng mồng tơi lấy hạt, thu hút hàng chục hộ tham gia, quy mô liên tục được nâng lên. Nhiều hộ sản xuất chủ động liên kết thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ để nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận.
Hiệu quả tích cực
Mạnh dạn đầu tư phát triển hơn 3 công đất trồng mồng tơi lấy hạt theo hướng hữu cơ, ông Võ Văn On, thành viên tổ hợp tác trồng màu xã Hưng Điền, đang thu về lợi nhuận bình quân hơn 40 triệu đồng/năm, kể từ năm 2019.
Trồng mồng tơi lấy hạt đang bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. |
Ông On cho biết, mồng tơi là loại rau dễ trồng, mau phát triển. Khi gieo hạt lên khoảng 10cm, nhổ đem trồng khoảng cách 20cm. Đến khi cây phát triển cao thì cắm cọc, làm giàn như trồng bầu, bí.
Sau hơn 3 tháng gieo trồng, mồng tơi bắt đầu cho thu hoạch đợt đầu tiên, chỉ cần xuống giống một lần là có thể thu hoạch quanh năm.
Theo ông On, để nâng cao chất lượng hạt, ông được tổ hợp tác tập huấn canh tác cây mồng tơi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đó, trong quá trình chăm sóc, ông loại bỏ hóa chất độc hại, sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường.
Để loại bỏ côn trùng gây hại, ông On sử dụng các loại thuốc tự chế từ thực vật tự nhiên như tỏi, ớt, gừng… Việc này vừa giúp gia đình ông nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tương tự, gia đình bà Lê Thị Như cũng đang có được những thành công tích cực với gần 2,5 công đất trồng mồng tơi lấy hạt. Theo bà Như, trồng mồng tơi lấy hạt đòi hỏi chi phí đầu tư thấp (giàn, giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật,...), chỉ khoảng 20 triệu đồng/công, rất phù hợp cho các hộ có vốn nhỏ.
“Quan trọng nhất với trồng mồng tơi lấy hạt là sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, làm sao vừa tốt cho cây, vừa đảm bảo sản xuất sạch. Chăm sóc tốt, 1 công mồng tơi sẽ cho 120 – 130 kg hạt khô, giá trung bình trên 100.000 đồng/kg. Lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa thường”, bà Như cho hay.
Đẩy mạnh hỗ trợ
Theo những hộ trồng mồng tơi, nếu trời nắng tốt, hạt mồng tơi tươi chỉ cần phơi khoảng 4-6 ngày là có thể bán cho thương lái. Bình quân khoảng 6 - 8 kg mồng tơi tươi sẽ được 1 kg khô. Khoảng 15 ngày sau đợt thu hoạch đầu tiên, sẽ thu hoạch những đợt kế tiếp, cứ thế, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1 năm.
Mô hình cần được định hướng phát triển theo hướng hàng hóa để mang lại hiệu quả bền vững. |
Ông Võ Hữu Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, cho biết thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng được địa phương quan tâm, nhiều loại cây trồng được người dân đưa vào sản xuất như mè, bắp, dưa hấu,...
Riêng mô hình trồng mồng tơi lấy hạt ở địa phương, dù phát triển theo hình thức tự phát nhưng đang cho thấy hiệu quả khá ổn định, có tiềm năng để nhân rộng. Hiện trên địa bàn xã có khoảng gần 2 ha sản xuất.
“Trồng mồng tơi lấy hạt là mô hình mới bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế, nhất là trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay”, ông Võ Hữu Tài nhận định.
Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị cho mô hình mồng tơi lấy hạt, xã sẽ chủ động hỗ trợ nông dân hoàn thiện sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP, thân thiện môi trường, tìm hiểu thị trường và liên kết chặt chẽ với cơ sở thu mua, tránh tình trạng ép giá hoặc cung vượt cầu.
Xã cũng sẽ khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác, thực hiện quy hoạch sản xuất phù hợp, tránh điệp khúc "trúng mùa, rớt giá", đảm bảo thu nhập bền vững cho người dân.
Hưng Nguyên