Những năm gần đây, cùng với chủ trương thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều nông dân huyện Cần Đước đã triển khai mô hình trồng ổi lê Đài Loan xen canh bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi nhiều triển vọng và có thể nhân rộng.
Đổi mới tư duy sản xuất
Theo ước tính, toàn huyện Cần Đước hiện có gần 20 ha trồng ổi lê xen canh bưởi da xanh. Các mô hình xen canh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đang cho giá trị bình quân 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình ổi xen bưởi cho giá trị cao nhờ áp dụng sản xuất khoa học (Ảnh TL). |
Anh Ngô Văn Nhật, thành viên Tổ hợp tác trồng cây ăn quả xã Tân Trạch cho biết, gia đình anh hiện có 1,8 ha trồng ổi xen canh bưởi da xanh, lợi nhuận bình quân đạt hàng trăm triệu đồng/năm.
Thời gian đầu, gia đình chỉ trồng ổi lê. Giống ổi này cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và khả năng kháng sâu bệnh tốt, thu hoạch quanh năm. Mỗi ngày, anh thu hoạch gần 150 kg ổi, bán với giá từ 10.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Sau thành công với cây ổi, anh Nhật tính toán để mở rộng diện tích, đồng thời trồng xen canh với cây bưởi da xanh. Đến nay, cây bưởi da xanh đã được gần 5 năm tuổi, phát triển tốt và bước vào thời kỳ cho quả mạnh nhất, lợi nhuận trung bình có thể đạt 80 - 100 triệu đồng/năm.
Để nâng cao giá trị sản xuất, gia đình anh áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, với các điều kiện nghiêm ngặt trong việc cải tạo đất, tỉa cành, tưới nước, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… giúp gia tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Đơn cử, trong quá trình canh tác, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian. Ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, thân thiện môi trường, tránh tình trạng thoái hóa đất, nước.
Đáng chú ý, anh Nhật được Tổ hợp tác hướng dẫn nuôi kiến vàng để tiêu diệt các loại côn trùng gây bệnh, từ đó tiết kiệm chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tạo đà nhân rộng mô hình
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Cần Đước, trồng ổi lê xen canh bưởi da xanh là mô hình mới trên địa bàn, song những kết quả ban đầu cho thấy những tiềm năng để nhân rộng, mở ra hướng đi cho nhiều hộ nông dân đang muốn cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn trái.
Với giá trị vượt trội, mô hình cần được hỗ trợ để nhân rộng theo hướng hàng hóa (Ảnh TL). |
Đáng chú ý, bên cạnh sự đồng hành của địa phương, những đóng góp của các HTX, tổ hợp tác cũng là nhân tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả của mô hình ổi lê xen bưởi da xanh. Đến nay, toàn huyện có 1 HTX và 3 tổ hợp tác tham gia mô hình này.
Việc liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác giúp các hộ nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật mới, tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút các đối tác tiêu thụ uy tín, gia tăng giá bán.
Với những thành công ban đầu, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tích cực phối hợp cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về chuyển đổi cây trồng, đồng thời giám sát chặt chẽ, không để tình trạng chuyển đổi ngoài quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu.
Các hộ trồng ổi xen canh bưởi sẽ được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tham gia tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sử dụng cơ giới hóa, và đặc biệt được khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, hướng đến hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Hưng Nguyên