Sau hơn 3 năm nhân rộng, mô hình trồng lúa thông minh đang được phát triển mạnh ở các HTX nông nghiệp trên địa bàn xã Vị Thủy. Trong đó, HTX Hai Huynh (ấp 7) đang là một trong hai HTX nổi bật.
Ưu điểm vượt trội
Theo tính toán, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân 1 ha lúa canh tác theo mô hình trồng lúa thông minh giúp thành viên HTX Hai Huynh thu lợi nhuận từ 30 - 35 triệu đồng.
![]() |
Mô hình trồng lúa thông minh có nhiều ưu điểm vượt trội về kinh tế và môi trường (Ảnh TL). |
Ông Trần Văn Đáng, thành viên HTX Hai Huynh, cho biết tham gia vào HTX, các hộ trồng lúa được học tập kiến thức, hiểu biết hơn về kỹ thuật trồng lúa đáp ứng với xu thế mới, ứng phó được biến đổi khí hậu.
“Quan trọng là việc áp dụng mô hình trồng lúa cấy bằng máy giúp ít tốn nhiều tiền công và được mua phân bón với giá thấp, hàng hóa chất lượng, giá cả ổn định và đặc biệt không phải lo đầu ra. Còn lợi nhuận thì hơn trồng lúa thông thường từ 20-30%”, ông Đáng nói.
Hiện, bình quân mỗi năm, gia đình ông Đáng phát triển 2 vụ lúa và nuôi một vụ cá, sau khi trừ các khoản chi phí, vụ lúa Hè Thu, gia đình ông lãi 40-50 triệu đồng, vụ Đông Xuân lãi 70-80 triệu đồng từ cánh đồng rộng xấp xỉ 2ha.
Theo ông Trần Văn Huynh, Giám đốc HTX Hai Huynh, đặc điểm nổi bật của mô hình trồng lúa thông minh là các hộ sản xuất áp dụng phương pháp bón phân tan chậm kết hợp với sử dụng các chế phẩm sinh học không gây hại cho môi trường sinh thái.
Bón phân tan chậm được áp dụng đồng bộ ba khâu trong một máy cơ giới gồm cấy lúa, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nảy mầm, diệt ốc, nên người nông dân dễ dàng áp dụng biện pháp quản lý dịch tổng hợp.
“Hình thức này giúp lượng phân bón được giữ lại trong đất, giảm tỷ lệ bốc hơi, rửa trôi, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng. Mô hình cũng giúp lúa phát triển tốt, lúa cứng cây, không đổ ngã khi gặp gió mưa”, Giám đốc Trần Văn Huynh phân tích.
Kết quả canh tác cho thấy, sản xuất lúa thông minh giúp nông dân giảm thiểu lượng giống, chỉ khoảng 8 kg/công. Năng suất bình quân đạt 7 - 8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm 45 – 50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao cho người sản xuất.
Giá trị gia tăng
Không chỉ đảm bảo về kinh tế, mô hình trồng lúa thông minh ở Vị Thắng đang cho thấy những ưu điểm tích cực trong bảo vệ môi trường. Việc sử dụng phương pháp bón phân tan chậm kết hợp với chế phẩm sinh học giúp HTX giảm thiểu lượng phân bón, hạn chế tác động xấu đến môi trường.
![]() |
Xã sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng diện tích trồng lúa thông minh, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân (Ảnh TL). |
Cụ thể, mô hình mới giúp nông dân trong xã giảm chi phí vật tư, công lao động 2 - 3 lần, số lượng phân bón giảm 250 kg/ha, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và tuyệt đối không sử dụng thuốc trong 20 ngày trước khi thu hoạch, góp phần hạn chế ô nhiễm, mang đến nguồn sản phẩm sạch cho người dùng.
Việc áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp cũng giúp các hộ canh tác lúa thông minh giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, thay thế các loại thuốc hóa học độc hại bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học và đặc biệt là sử dụng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh hại.
Lãnh đạo UBND xã Vị Thắng cho hay, kể từ năm 2017 đến nay, thấy được hiệu quả thiết thực từ mô hình trồng lúa thông minh, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chủ động chuyển đổi vườn tạp sang trồng lúa.
Chỉ riêng năm 2020, toàn xã phát triển thêm được 15,2 ha canh tác theo mô hình trồng lúa thông minh, nâng tổng số diện tích đất lúa canh tác theo mô hình này lên 24 ha, chủ yếu tập trung ở ấp 7, ấp 9.
Đây là mô hình canh tác hiệu quả, đem lại năng suất cao cho nông dân, được HTX, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Từ kết quả đạt được, hiện xã tiếp tục vận động người dân trồng lúa nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh ra trên địa bàn 7/7 ấp.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của mô hình trồng lúa thông minh, trong thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, hộ nông dân mở rộng thêm diện tích trồng lúa thông minh, xây dựng được cánh đồng mẫu lớn, sản phẩm lúa phải có thương hiệu, mã vạch để tăng tính nhận diện, xây dựng uy tín trên thị trường.
Xã cũng sẽ chỉ đạo các ấp rà soát lại tất cả diện tích trồng lúa để nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh. Cùng với cây lúa, xã sẽ khảo sát nhu cầu chuyển đổi diện tích đất năng suất thấp, giúp người dân tập huấn nâng cao kỹ thuật, hỗ trợ về cây, con giống để chuyển đổi phù hợp, hiệu quả.
Nhật Minh