Theo UBND xã Phú Thành, thời gian qua, xã đã tập trung chỉ đạo sát sao, đề ra các phương hướng, kế hoạch phát triển lợi thế cho từng loại cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó là sự nỗ lực của các HTX, nông dân đã đưa các mô hình trang trại ngày càng phát triển, sản xuất theo hướng chuyên canh, hình thành chuỗi giá trị.
Liên kết sản xuất sạch
HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Dương Nam đang là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn xã Phú Thành, nhờ phát huy tốt vai trò "bà đỡ” cho các hộ nông dân thực hiện liên kết, chuyển từ canh tác nhỏ lẻ, manh mún, sang sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả cao.
HTX Dương Nam đang là điểm tựa cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Phú Thành (Ảnh TL). |
Sau gần 5 năm hoạt động, HTX đang phát triển ổn định với ngành nghề chính là trồng, kinh doanh sản phẩm cây ăn quả có múi, trồng chè. Các thành viên đã liên kết với nhau sản xuất sản phẩm chất lượng, cho giá trị cao trên diện tích 13 ha, trong đó có 8 ha cam giống CS1, 4 ha bưởi các loại, nhiều nhất là bưởi Diễn và 1 ha chè.
Ông Dương Ngọc Chức, Giám đốc HTX, cho biết nhằm khắc phục hạn chế về đất đai manh mún, tạo thuận lợi ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng... HTX đã vận động thành viên dồn đổi đất đai, đầu tư cải tạo đất, đặc biệt quan tâm sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn sinh thái.
Đơn cử, trong quy trình chăm sóc cây trồng, nhất là với cây cam, các thành viên HTX luôn coi trọng sản xuất sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, ưu tiên các hợp chất vi sinh, thân thiện môi trường.
Để nuôi cây cam sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, các thành viên thường xuyên cho cam "ăn” đậu tương và dùng chế phẩm sinh học như ngâm gừng, tỏi, ớt phun cho cây trồng để phòng trừ sâu bệnh.
Nhờ sản xuất an toàn sinh thái, năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX liên tục được nâng lên. Trong 3 năm qua, sản lượng cam của HTX luôn đạt trên dưới 100 tấn quả, các cây trồng khác cũng cho thu hoạch ổn định. Ngoài sản phẩm làm ra, HTX tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho hàng chục hộ trồng cây ăn quả trong và ngoài địa bàn.
Từ chỗ sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi, đời sống của thành viên HTX ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. HTX Dương Nam được Liên minh HTX tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến.
Khai thác tốt tiềm năng
Không chỉ có HTX Dương Nam, toàn xã Phú Thành hiện có hơn 50 mô hình kinh tế trang trại, trong đó nổi bật là 36 trang trại cây ăn quả với tổng diện tích 350 ha, 8 trang trại chăn nuôi khép kín, 8 mô hình trang trại tổng hợp cùng nhiều mô hình có quy mô vừa và nhỏ khác.
Xã sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại nhằm phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, con người ở địa phương (Ảnh TL). |
Trong xã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến như ông Nguyễn Duy Lành (xóm Bột) với mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/ năm; ông Chu Đức Biền (xóm Rỵ) với 6 ha cây có múi cho thu nhập 600 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Văn Dũng (xóm Đồng Danh) với 12.000 con gà ri Lạc Thủy cho thu nhập 500 triệu đồng/năm…
Ông Chu Đức Biền, chủ của 6 ha cây có múi, cho biết: "Xác định kinh tế trang trại là hướng đi bền vững, ổn định, mang lại thu nhập cao. Do đó, tôi tập trung khai thác, tận dụng các lợi thế điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở xã, trồng các loại cây có múi như cam, bưởi…”.
Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ với thị trường trong và ngoài tỉnh, trang trại của gia đình ông Biền luôn cho giá trị cao. Hiện, 4 ha cam Canh, 1,5 ha cam lòng vàng V2 và 0,5 ha bưởi đem lại cho gia đình 500 – 600 triệu đồng/năm.
Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng đang cho thấy hiệu quả rất cao trên địa bàn xã. Tận dụng tiềm năng đất đồi rừng phát triển chăn nuôi, hướng tới xây dựng thương hiệu gà Lạc Thủy, số lượng trang trại nuôi gà ở xã ngày càng mở rộng. Hiện, toàn xã có trên 100.000 con gà, 6.100 con lợn, 995 con trâu, bò…
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Thành, phát triển kinh tế trang trại là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, góp phần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội.
Trong thời gian tới, xã sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra nhằm đảm bảo các trang trại thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường. Tạo ra những sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng, có giá trị kinh tế cao để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương ở trong và ngoài tỉnh.
Nhật Minh