Theo thống kê, diện tích trồng bưởi da xanh ở Hương Sơn liên tục được nhân lên trong vòng 5 năm qua. Đến nay, toàn huyện có trên 70 ha canh tác, chất lượng quả rất cao, với độ ngọt, thanh tự nhiên, tập trung chủ yếu tại các xã Sơn Kim 1, Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Trà...
Giá trị kinh tế cao
Ông Phan Đình Giáp, thôn Lâm Đồng, xã Sơn Lâm là một trong những nông dân đầu tiên triển khai mô hình trồng bưởi da xanh ở Hương Sơn. Hiện, gia đình ông đang có hàng trăm gốc bưởi các loại, trong đó cây bưởi da xanh cho thu hoạch từ năm 2018.
Bưởi da xanh đang khẳng định giá trị trên vùng núi Hương Sơn (Ảnh BHT). |
Ông Giáp cho biết, gia đình ông trước đây trồng các giống bưởi Phúc Trạch, bưởi đường, bưởi ruột đỏ, bưởi Diễn... nhưng vì điều kiện khí hậu khiến giá trị mang về không cao.
Từ năm 2015, ông Giáp đưa giống bưởi da xanh về trồng. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh tốt, sau 3 năm, bưởi da xanh cho quả. Giá bưởi da xanh bán ra thị trường có giá khá ổn định, bình quân đạt 30 - 35 nghìn đồng/kg. Mỗi ha bưởi da xanh cho thu nhập trên 120 - 150 triệu đồng.
Theo ông Giáp, để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, gia đình ông cùng các hộ tại địa phương đã chủ động ứng dụng quy trình sản xuất an toàn sinh thái, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Ở nhiều thời điểm, ông Giáp tổ chức nuôi kiến vàng như một loại thiên địch để tiêu diệt những loài vi sinh vật gây hại cho vườn cây. Nhờ đàn kiến vàng, ông gần như không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, qua đó giảm thiểu chi phí sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái.
Không chỉ có điểm sáng kinh tế hộ, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hương Sơn đã hình thành các tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân. Đơn cử như tại xã Sơn Bình, mô hình tổ hợp tác đang thu hút hàng chục hộ trồng bưởi tham gia.
Việc hoạt động trong tổ hợp tác có rất nhiều lợi ích. Đầu tiên là cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau đó là tạo điều kiện liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhân rộng theo quy hoạch
Anh Lê Tiến Lộc, thành viên Tổ hợp tác bưởi da xanh xã Sơn Bình, chia sẻ năm 2016, sau một năm phát triển giống bưởi da xanh lấy giống ở Bến Tre, anh cùng gần 10 hộ sản xuất tại địa phương liên kết thành lập tổ hợp tác.
Đến nay, nhờ chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ, tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, mô hình sản xuất của 100% hộ thành viên Tổ hợp tác đang cho năng suất cao, giá trị bình quân đạt trên 150 triệu đồng/ha. Cây bưởi da xanh dần thay thế cho các giống bưởi cũ, trở thành cây trồng chủ lực.
Mô hình trồng bưởi sẽ được huyện mở rộng theo quy hoạch, ứng dụng kỹ thuật (Ảnh BHT). |
Theo lãnh đạo Phòng NN&TNT huyện Hương Sơn, nhận thấy giống bưởi da xanh phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung xây dựng mô hình theo hướng hàng hóa, khoa học nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 9 mô hình trồng bưởi da xanh, tổng diện tích đạt xấp xỉ 40 ha, với hàng trăm hộ tham gia. Trong đó, xã Sơn Tiến có 3,7 ha, Sơn Trà 3,98 ha, Sơn Lâm 3,7 ha, Sơn Hồng 7 ha, Sơn Giang 3,1 ha, Sơn Kim 1 là 4,9 ha, Sơn Lễ 5 ha, Kim Hoa 5 ha và xã Sơn Trường 3 ha.
Đặc biệt, từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các mô hình được hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc...
Theo đó, huyện Hương Sơn hỗ trợ 400 triệu đồng mô hình chuyển đổi đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng bưởi, quy mô 3,7 ha tại Sơn Tiến; 200 triệu đồng cho mô hình trồng thâm canh bưởi da xanh theo hình thức liên kết sản xuất tổ hợp tác, quy mô 7 ha tại xã Sơn Hồng; 100 triệu đồng cho 7 mô hình quy mô từ 3 - 5 ha tại các xã Sơn Trà, Sơn Lễ, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Kim 1, Kim Hoa, Sơn Trường.
Trong thời gian tới, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ để nông dân hoàn thiện sản xuất, nhân rộng diện tích theo quy hoạch, huyện Hương Sơn sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, phát huy vai trò của các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp trong việc kết nối thị trường, giải bài toán được mùa mất giá, đảm bảo lợi ích bền vững cho người dân.
Mỹ Chí