Trước những khó khăn trên, việc HTX Dược liệu Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ, Thái Bình) chuyển hướng sang trồng cây dược liệu theo quy trình sạch để cung cấp nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cho doanh nghiệp chế biến được coi là điểm sáng cho ngành dược liệu nói chung và cho vùng đất lúa nói riêng.
Liên kết sản xuất
Những gì HTX Quỳnh Lâm đang làm đã cho thấy Thái Bình là vùng đất không chỉ phù hợp với cây lúa, mà còn phù hợp với rất nhiều loài dược liệu.
Trồng cây được liệu trên vùng đất chuyên trồng lúa là một ý tưởng khá táo bạo, vì điều kiện tự nhiên của Thái Bình được đánh giá là có nhiều điểm không thuận lợi so với các tỉnh vùng núi phía Bắc. Tuy nhiên, với quyết tâm thay đổi hướng sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các thành viên, HTX đã quyết định tập trung trồng cây Địa Hoàng trên diện tích 3.000 m2.
Điều đặc biệt là HTX đã nhận được sự hỗ trợ về cả đầu vào lẫn đầu ra từ công ty Cổ phần ANVY nên việc sản xuất đến thời điểm này đang đi vào quỹ đạo. Đây cũng là nền tảng để xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dược liệu một cách hiệu quả và bền vững.
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật từ phía doanh nghiệp, thành viên HTX đã tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong quá trình trồng, chăm sóc cây Địa Hoàng. Khởi đầu từ cây Địa Hoàng đã thu được kết quả khả quan ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, khi loài cây này nhanh chóng thích nghi với điều kiện tự nhiên ở vùng đất Thái Bình.
Trung bình 200 m2 diện tích Địa Hoàng, HTX thu được nửa tấn củ. Hàm lượng hoạt tính cũng vượt trội so với dược điển hàng chục lần.
Để đạt được hiệu quả cao và đáp ứng nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp, các khâu sản xuất của HTX đều tuân thủ nghiêm theo tiêu chuẩn GACP - WHO (tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu).
Dược liệu trồng, thu hái đến đâu đều được doanh nghiệp đến thu mua, vận chuyển luôn trong ngày để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu.
Sau khi trồng Địa Hoàng thành công, HTX đã mở rộng thêm 1.000 m2 trồng cây Ngưu Tất. Việc này đã tạo ra trữ lượng và chất lượng dược liệu ổn định phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mô hình trồng cây dược liệu là phù hợp trên vùng đất lúa Thái Bình.
Việc phát triển vùng dược liệu tập trung đã giúp thu nhập của các thành viên, người dân tăng gấp 4 - 5 lần so với trồng cây lúa.
“Quy trình trồng cây dược liệu cũng không quá khó khăn, ít tốn kém phân bón và dễ chăm sóc. Việc không phun thuốc với mục đích sản xuất dược liệu sạch đã giúp mọi người có thu nhập cao hơn so với trồng lúa”, anh Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc HTX Quỳnh Lâm, cho biết.
Ruộng sản xuất Địa Hoàng của HTX Quỳnh Lâm |
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Nhận rõ nguồn lợi này, nhiều nông dân đã chủ động tham gia mô hình trồng dược liệu của HTX. Đặc biệt, từ khi thấy được lợi ích của cây dược liệu, không ít người đã chủ động dồn điền đổi thửa để HTX thuận lợi trong việc áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, bảo đảm đầu vào cho doanh nghiệp chế biến.
Có thể nói, việc phát triển vùng trồng dược liệu sạch là hướng đi đúng đắn và thiết thực, không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn, phát triển cây thuốc Việt mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vùng dược liệu của HTX tuy hình thành chưa lâu, nhưng đã góp phần cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho doanh nghiệp dược, hướng đến phát triển kinh tế bền vững cho nông dân và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc ANVY Hà Giang, cố vấn chuyên môn HTX Quỳnh Lâm, đánh giá: “Việc phát triển chuỗi giá trị dược liệu là quan trọng, vì ngoài hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa còn có tác dụng kích thích người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong khai thác dược liệu. Đây cũng là giải pháp góp phần giải quyết vấn đề bức xúc của thời đại hiện nay là môi trường”.
Như Yến