Từng có nhiều năm trồng cây ăn trái, ông Nguyễn Ngọc Hùng hiểu được nỗi vất vả của những người làm nông. Để giúp người dân xây dựng thương hiệu và rộng đầu ra, ông đã cùng 30 người dân thành lập HTX Long An - Minh Hưng vào năm 2017. HTX đang sản xuất trên diện tích 60 ha với cây trồng chính là sầu riêng.
Ứng dụng công nghệ
Vượt lên sự khắc nghiệt của thời tiết, sự cằn cỗi của đất đai, các thành viên HTX kết hợp kinh nghiệm và học hỏi qua nhiều hình thức sau đó tự vẽ mô hình khung theo diện tích vườn có sẵn của các thành viên rồi đầu tư hệ thống giếng, máy bơm và ống nước tưới tự động thông qua điện thoại thông minh.
Hiện, công đoạn tưới nước, bón phân, thuốc cho cây đều được thực hiện tự động trong thời gian khoảng 7 - 10 phút, thay cho 2 - 3 giờ như trước.
Theo Giám đốc Nguyễn Ngọc Hùng, việc đầu tư công nghệ thông minh là để tiết kiệm sức lao động dù chi phí ban đầu có thể khá tốn kém. Diện tích sản xuất của HTX có nằm gần sông Lấp thì việc thuê lao động để lấy nước tưới cho hàng chục ha sầu riêng là điều khá tốn thời gian và sức lực.
Từ khi áp dụng mô hình tưới nước, bón phân tự động này, năng suất sầu riêng tăng 30%. Hệ thống tưới nhỏ giọt còn vừa tiết kiệm nước vừa khống chế nước để xử lý vườn sầu riêng ra hoa, trái đồng loạt hoặc trái vụ đúng thời gian.
Hiện, các vườn sầu riêng của các thành viên HTX cũng được cải tạo trồng giống mới là Monthong Thái Lan và RI6. Đây là hai giống sầu riêng cơm vàng hạt lép nổi tiếng thơm ngon được thị trường ưa chuộng nhất hiện nay.
Toàn bộ diện tích sầu riêng của HTX được trồng theo chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc diệt cỏ trong nhiều năm nay. Tùy từng giai đoạn phát triển của cây mà các thành viên sử dụng phân bón phù hợp, bảo đảm sự phát triển đồng đều.
Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến và công nghệ thông minh vào sản xuất, sầu riêng của HTX không bị mắc các bệnh gây hiện tượng sầu rụng đầy gốc hay chết hàng loạt như ở các nhà vườn miền Tây. Năng suất sầu riêng đạt bình quân 17 - 20 tấn/ha, tùy theo giá thị trường cho thu nhập 600 - 700 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, việc HTX được cấp giấy chứng nhận tuân thủ theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP đã mở ra một tương lai mới cho cây sầu riêng vốn là thế mạnh của địa phương nói riêng và trên địa bàn huyện Bù Đăng nói chung.
Giám đốc Nguyễn Ngọc Hùng bên vườn sầu riêng giống mới |
Thay đổi nhận thức
Sản xuất theo chuẩn VietGAP, các thành viên HTX đã hiểu được vai trò của việc bảo vệ môi trường trong sản xuất có nghĩa quan trọng như thế nào đến chất lượng đầu ra cho sản phẩm mình làm ra.
Chính vì vậy, trong quá trình sản xuất, HTX đã đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường. Nhờ tham gia HTX, các thành viên đã thay đổi nhận thức, thói quen trong sản xuất.
Đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thành viên đều tuân thủ nghiêm theo khuyến cáo của nhà sản xuất, không tự ý tăng nồng độ, liều lượng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn tới môi trường đất, nước, không khí.
Đặc biệt khi thực hiện sản xuất an toàn, tình đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế của các thành viên thể hiện rất tốt. Có nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giàu.
“Trước khi xây dựng mô hình, đa số các hộ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, kỹ thuật sản xuất không đồng bộ, chi phí đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp, ý thức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường còn rất hạn chế”, ông Hùng cho biết.
Việc tham gia sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường của HTX được các ngành chức năng đánh giá là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.
Huyền Trang