Cây sả thích ứng với điều kiện khí hậu tại xã Ea Tir |
Mục tiêu của HTX Tân Trào là trồng và chế biến tinh dầu sả, chuyển giao công nghệ chiết xuất tinh dầu, kỹ thuật trồng sả Java và cây hương nhu để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu làm hương liệu tự nhiên.
Hiệu quả trong sản xuất
Với 30 thành viên, HTX đã liên kết với hàng chục hộ dân khác sản xuất 200ha sả. Hiện nay, HTX đã đầu tư 2 dây chuyền chế biến tinh dầu sả, tổng số vốn gần 500 triệu đồng và đang thực hiện xây dựng thêm 2 dây chuyền nữa để chế biến toàn bộ sản lượng sả cho thành viên và các hộ liên kết.
Dây chuyền chế biến tinh dầu sả của HTX sử dụng công nghệ áp lực phá vỡ tế bào. Đây là phương pháp mới, hạn chế được những nhược điểm từ phương pháp cuốn hơi nước.
Ông Mông Văn Mậu - Giám đốc HTX, cho biết: "Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy phương pháp cuốn hơi nước khá tốn thời gian, tốn nguyên vật liệu, nhiên liệu, hiệu quả không cao, đặc biệt là lượng bã thải lớn mà chưa có biện pháp xử lý".
Áp dụng phương pháp mới giúp HTX giảm lượng nước tiêu hao trong quá trình sản xuất xuống hơn 80%, thời gian chưng cất còn 2 giờ mỗi mẻ và giảm chi phí lao động. Đặc biệt, phương pháp này giữ được mùi hương tinh dầu đặc biệt mà nhiều cơ sở sản xuất tinh dầu sả khác không làm được. Đây chính là thế mạnh để HTX cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Sản phẩm tinh dầu sả sản xuất tại HTX hiện được tiêu thụ thuận lợi, với giá 430.000 - 450.000 đồng/lít, thu nhập của thành viên đạt 10 triệu đồng/người/tháng, sau khi trừ các chi phí.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất tinh dầu sả, HTX sử dụng nguồn bã thải sau khi chế biến tinh dầu sả làm nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón vi sinh. Phân vi sinh được dùng bón cho diện tích sả và các cây trồng khác, trả lại lượng dinh dưỡng lấy đi từ đất và giúp HTX hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại.
Quy trình sản xuất của HTX vừa giúp gia tăng giá trị từ cây sả vừa xử lý chất thải trong quá trình sản xuất để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Giá trị sản xuất từ tinh dầu sả cũng cao hơn so với bán sả nguyên liệu. Trung bình 20ha nguyên liệu, sau khi chế biến thành tinh dầu mang về doanh thu 1,5-1,6 tỷ đồng cho HTX.
Bảo vệ môi trường đất
Trước đây, diện tích đất tại Xã Ea Tir đa phần là đất sỏi đá, cằn cỗi. Mặt khác, do địa hình dốc nên vào mùa mưa, đất bị xói mòn, rửa trôi, việc canh tác rất khó khăn, trồng cây gì cũng không mang lại hiệu quả. Vì thế, nhiều diện tích phải bỏ đất hoang.
Việc HTX mạnh dạn trồng cây sả trên diện tích lớn làm nguyên liệu chế biến tinh dầu sả hiệu quả cho thấy sả chính là cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương.
Cây sả có khả năng thích nghi với nhiều loại đất, địa hình, bộ rễ phân bố rộng nên có khả năng hút nước, giữ nước tốt, rất phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, nhất là xã Ea Tir đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khô hạn. Không như những loại cây trồng khác, sả không cần chăm bón, tưới nước nhiều nhưng vẫn xanh tốt, tiết kiệm công lao động cho HTX.
“Cây sả còn có tác dụng giữ đất, chống xói mòn. Chu kỳ kinh tế của cây sả kéo dài, trồng một lần thu hoạch từ 3 - 4 năm. Điều này rất hữu ích với điều kiện khí hậu ngày càng phức tạp”-ông Mông Văn Mậu cho biết
Phát triển diện tích cây sả là việc làm hữu ích của HTX khi góp phần phủ xanh vùng đất trống cằn cỗi, gia tăng giá trị kinh tế cho người dân. Thời gian tới, HTX tiếp tục phát triển sản xuất để thu hút thành viên, mở rộng diện tích trồng sả phục vụ chế biến tinh dầu và ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, từ đó thúc đẩy ngành chế biến nông sản tại địa phương ngày càng phát triển.
Như Yến