Để thuận tiện cho việc ứng dụng khoa học công nghệ (KH-CN) vào sản xuất, hầu hết các HTX, Tổ hợp tác (THT) tại Sơn La đã đổi mới theo Luật HTX 2012. Nhiều HTX đã và đang tập hợp sinh viên đã tốt nghiệp đại học vào làm việc. Không ít HTX đã liên kết với nhau trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm có quy mô lớn để tăng tính hiệu quả và sức lan tỏa.
Từ sức mạnh cộng hưởng
Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Sơn La (phường Chiềng Sinh, Tp.Sơn La) được thành lập với 6 thành viên gồm 1 HTX tại Tp.Hà Nội và 5 HTX nông nghiệp trên địa bàn các huyện: Mai Sơn, Mường La, Mộc Châu và Tp.Sơn La, số vốn kinh doanh ban đầu là 26 tỷ đồng.
Mục tiêu là liên kết các HTX sản xuất - tiêu thụ - chế biến nông sản an toàn nhằm xây dựng và đưa thương hiệu nông sản an toàn của Sơn La đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hiện nay, Liên hiệp HTX đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp trên quy mô 800 ha thuộc 6 vùng sản xuất với các sản phẩm chủ lực như: Chanh leo; nấm; rau, củ, quả (cà chua, su su, khoai tây, bí...); các loại cây ăn quả (táo, nhãn, na, chuối) hay chế biến đồ khô (chế biến thịt bò, trâu, lợn)…
Để nâng cao hiệu quả, Liên hiệp HTX phân công mỗi HTX phát triển một loại nông sản đặc trưng đi đôi với phát triển thương hiệu theo mô hình chuỗi giá trị từ đầu vào - sản xuất - bảo quản - chế biến - phân phối - tiêu thụ.
Các HTX chịu trách nhiệm sản xuất theo quy trình an toàn, cam kết sản phẩm cung cấp ra thị trường đạt chất lượng cao nhất và đều được truy xuất nguồn gốc, dán tem thông minh.
HTX Nông nghiệp xanh 26/3 (Tp.Sơn La) là một trong những HTX tiêu biểu nhất của Liên hiệp với nhiệm vụ sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả an toàn theo quy trình VietGAP. Diện diện tích sản xuất của HTX hiện tại là 7,5 ha áp dụng công nghệ cao, cho năng suất đạt gần 125 tấn/năm, doanh thu 1,2 tỷ đồng.
Với sự liên kết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, marketing, trung bình 1 tháng, Liên hiệp cung cấp 1,5 - 2 tấn rau, củ, quả ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh/thành phố: Điện Biên, Hà Nội, Quảng Ninh, Vinh thông qua các chuỗi tiêu thụ: Vinmart, Big C, Hapro mart, Lotte.
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện của HTX ở Mường La |
Đến bảo vệ môi trường
Thay vì sản xuất lợn nhỏ lẻ, HTX Phương Nam (Yên Châu) đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, ứng dụng KH-CN vào nuôi lợn theo mô hình khép kín từ việc tự sản xuất con giống, đến xuất bán lợn thịt thương phẩm.
HTX Phương Nam nuôi 230 con lợn nái, lợn đực nên hàng năm có thể sản xuất hàng nghìn lợn con và lợn thương phẩm. Đi cùng với đó là lượng chất thải tương đối lớn. Để giải quyết vấn đề này, HTX đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sau chăn nuôi bằng bể khí gas 150 m3.
Tuy nhiên, bể khí gas này vẫn không thể xử lý hết nguồn chất thải của đàn lợn. Đứng trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy xử lý nước thải, tách chất thải rắn sau chăn nuôi bằng công nghệ của Áo.
Nước thải được thu gom về bể chứa, sau đó máy sẽ đánh sục nước rồi hút lên máy lọc và tách chất thải rắn ép nhiệt, còn nước sẽ được dẫn về bể biogas tạo khí đốt, sau đó trở về bể lắng.
Máy xử lý nước thải của HTX có khả năng xử lý nước thải cho trên 1.000 con lợn. Trung bình mỗi năm, HTX có thể ép được khoảng 70 tấn phân khô. Số phân này được trộn với men vi sinh, rồi đóng trong bao kín làm phân bón cho cây ăn quả của HTX.
Bên cạnh đó, HTX còn lắp đặt 1,7 km đường ống ngầm dẫn nước thải từ bể lắng tưới cho diện tích cây ăn quả. Tận dụng nước thải sau chăn nuôi qua công nghệ xử lý giúp HTX tiết kiệm 40% số tiền mua phân bón.
Không chỉ HTX Phương Nam hay Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Sơn La, trên địa bàn tỉnh Sơn La còn không ít HTX chú trọng sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường như HTX Thủy sản Nậm Giôn, HTX Nông lâm thủy sản Chiềng Lao (Mường La), HTX Nông nghiệp Tiên Sơn (Mai Sơn)…
Việc các HTX trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường đã góp phần quan trong trong việc xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Như Yến