Bản Giang là xã vùng cao nội địa của huyện Tam Đường. Người dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên mà đặc biệt là đất đai màu mỡ lại chính là lợi thế phát triển trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả mang tính chất hàng hóa như cam, quýt. Chính vì lẽ đó, địa phương đã đẩy mạnh phát triển trồng cam để nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nền tảng hoàn thành các tiêu chí trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Nâng cao thu nhập
Theo UBND xã Bản Giang, địa phương hiện có 160ha cam với giống cam chủ yếu là V2 và cam Vinh. Nhờ tận dụng được các chính sách hỗ trợ trong công tác giảm nghèo kết hợp với xây dựng nông thôn mới, khi tham gia trồng cam, người dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình kỹ thuật trong năm thứ nhất, đồng thời được hỗ trợ 100% kinh phí giống lạc, đậu tương theo quy trình kỹ thuật trồng xen trên diện tích trồng cam trong 2 năm đầu để gia tăng thu nhập.
Thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, các kỹ thuật cơ bản như: cắt bỏ bớt quả, bón phân hữu cơ, làm cỏ, tỉa cành cũng được người dân chú trọng nhằm bảo đảm năng suất cây trồng.
![]() |
Xã Bản Giang là một trong những vùng trồng cam chủ lực của huyện Tam Đường (Ảnh:Internet) |
Đến nay, diện tích cam tại địa phương đều vào thời kỳ cho năng suất, chất lượng cao nên có thể kéo dài thời gian thu hoạch trong 3-4 tháng. Thời điểm này đang là cuối vụ cam tại xã Bản Giang nên mức tiêu thụ cam cao hơn thời điểm trước Tết, có ngày xã cung cấp ra thị trường 6-7 tạ cam.
Anh Giàng Văn Pay (bản Bản Giang, xã Bản Giang) cho biết: Gia đình anh có 200 cây cam. Ngoài thu hoạch quả, anh tiến hành chăm sóc, bón phân để cam hồi phục chuẩn bị cho lứa hoa mới. Vụ cam này, gia đình anh thu hoạch hơn 1 tấn cam. Nhờ mạnh dạn đầu tư sản xuất, cây cam đã giúp gia đình anh thoát nghèo.
Trung bình 1ha có khoảng 500 cây, sau khi trừ chi phí sẽ thu về mức thấp nhất là 150 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng ngô. Tuy mất nhiều công chăm sóc hơn nhưng đây là động lực để các hộ chủ động chăm sóc, mở rộng diện tích trồng cam nhằm nâng cao thu nhập gia đình, trang trải cuộc sống hàng ngày cũng như vươn lên thoát nghèo.
Nâng cao hiệu quả, mở rộng đầu ra
Là cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và giúp không ít hộ dân nâng cao thu nhập cũng như giảm nghèo, nhưng trên thực tế, cây cam ở xã Bản Giang cũng có những lúc gặp không ít khó khăn vì bí đầu ra, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Có mùa vụ khi cam chưa kịp thu hoạch thì gặp sương muối nên bị rụng đồng loạt, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người dân. Đây cũng là trăn trở của các cấp ngành tại địa phương trong thời gian qua.
Nguyên nhân được đưa ra là do cam ở Bản Giang tuy sản xuất trên quy mô lớn, đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật nhưng chưa có tiêu chuẩn nhãn mác, chỉ dẫn xuất xứ sản phẩm; chưa được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP hay hữu cơ.
Bên cạnh đó, việc chưa liên kết được “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân); đầu tư chưa nhiều cho xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn xuất xứ sản phẩm; chưa đầu tư cho tiếp thị sản phẩm… cũng là những điểm nghẽn trong sản xuất cam tại đây. Đặc biệt, địa phương chưa liên kết người dân cùng nhau sản xuất theo mô hình HTX, tổ hợp tác nên hiệu quả sản xuất không cao, việc liên kết với doanh nghiệp chưa được hình thành. Cam chủ yếu do thương lái vào thu mua hoặc do người dân mang ra chợ bán lẻ.
![]() |
Chưa liên kết sản xuất theo chuỗi nên đầu ra của cam tại xã Bản Giang chủ yếu là tại các chợ hoặc do thương lái thu mua (Ảnh: Internet) |
Để ổn định đầu ra cho vùng cam nguyên liệu tại xã Bản Giang, việc trước tiên là phải thành lập các HTX, tổ hợp tác để hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Khi đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sẽ thuận lợi hơn. Có như vậy, mối liên kết 4 nhà mới được hình thành, bài toán “được mùa mất giá” cũng được giải quyết.
Ông Từ Hữu Hà-Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, cho biết ngoài việc hỗ trợ người dân tham gia mô hình HTX, huyện đang thực hiện chủ trương không mở rộng thêm diện tích trồng cam mới, giữ nguyên quy hoạch và tập trung nâng cao chất lượng cây cam hiện có. Bên cạnh đó là tạo điều kiện cho các hộ nông dân tham gia các hội chợ ở ngoài tỉnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn với người tiêu dùng.
Cam ở xã Bản Giang vẫn còn một chặng đường xây dựng thương hiệu. Quan trọng nhất là địa phương và người dân phải biết kỹ thuật, học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả của các tỉnh bạn để người trồng cam có thể sống được từ chính diện tích cam của mình, từ đó vươn mình trở thành các triệu phú, tỷ phú trên đất đồi núi quê hương.
Như Yến