Ngay từ khi thành lập, 35 thành viên của HTX xác định phải sản xuất theo hướng VietGAP, không ảnh hưởng đến môi trường để đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng, nên HTX đã mạnh dạn thực hiện mô hình nhà màng để trồng rau. Các loại rau chủ lực của HTX bao gồm: su hào, súp lơ, bắp cải, rau muống, dưa chuột...
Khắc phục nguy cơ ô nhiễm môi trường
Anh Phạm Công Quang, Phó Giám đốc HTX cho biết: "HTX đã thuê 5 ha đất ở cánh đồng thôn Bắc để trồng rau. Trong đó có 2.500 m2 nhà màng để trồng dưa chuột, diện tích còn lại HTX trồng các loại rau khác và cho người dân mượn ruộng để sản xuất. Các kỹ sư nông nghiệp người Israel hướng dẫn trực tiếp cách trồng và chăm sóc rau".
Dưa chuột đang là sản phẩm chủ lực của HTX (Ảnh: Internet) |
Ngay từ khi trồng các loại rau, HTX đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn từ huyện đến tỉnh. Trong đó, mô hình nhà màng của HTX được tỉnh hỗ trợ 80.000 đồng/m2. Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I cũng đến tận nơi hướng dẫn các thành viên sản xuất rau an toàn, bảo đảm chất lượng, không dư thừa thuốc bảo vệ thực vật và cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP trước khi đưa ra thị trường.
Trong quá trình sản xuất, toàn bộ các thành viên đều phải ghi chép nhật ký. Người dân không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ cỏ mà phải nhặt bằng tay. Các loại thuốc trừ sâu đều là thuốc sinh học được ngâm từ ớt, gừng, tỏi, hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Hệ thống nước tưới cho rau trồng trong nhà màng được trang bị tự động, sử dụng nước sạch. Để làm chủ công nghệ, hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của môi trường, Phó Giám đốc Phạm Công Quang phụ trách kỹ thuật thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ các nhà màng khác, trao đổi kiến thức nông nghiệp qua mạng xã hội với những người đam mê, tâm huyết. Các kiến thức học hỏi được, anh Quang chia sẻ, hướng dẫn lại cho các thành viên khác, giúp mọi người sản xuất tốt hơn.
Lối canh tác của HTX đã khắc phục được tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học, cộng với kỹ thuật trong canh tác còn hạn chế mà bấy lâu nay người dân vẫn sử dụng, tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Sản xuất sạch, tiêu thụ gọn
Ngay khi thu lứa rau đầu tiên, HTX đã xây dựng nhãn hiệu, khẳng định sản phẩm sạch của mình, có thể cạnh tranh với nhiều thương hiệu khác. Rau, dưa sau khi thu hoạch được sơ chế sạch sẽ, đóng gói theo trọng lượng quy định của từng cửa hàng tiện lợi, có tem nhãn thương hiệu, mã truy xuất nguồn gốc.
Rau sạch của HTX đã có chỗ trên kệ hàng một số cửa hàng tiện lợi ở TP Hải Dương (Ảnh: Internet) |
Để thuận lợi cho khâu tiêu thụ, HTX đã xây dựng mạng lưới liên kết với các cửa hàng tiện lợi ở TP Hải Dương, Hà Nội và Hải Phòng. Nhiều khách hàng còn đến tận vườn đặt mua nên có thời điểm HTX không đủ hàng để bán. Ngoài 35 thành viên, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi vụ, HTX thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Mô hình trồng rau sạch của HTX thường xuyên thu hút khách đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Do nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng nên nhiều chuỗi siêu thị đã đến đặt hàng nhưng sản lượng chưa đủ để đáp ứng.
Với phương châm sản xuất sạch, tiêu thụ gọn, anh Trần Văn Điệp, Giám đốc HTX cho biết thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm diện tích trồng rau, mở rộng thị trường tiêu thụ hướng tới nguồn khách hàng sinh sống tại các chung cư cao cấp và phát triển thêm dịch vụ giao hàng đến tận nơi. Để làm được điều này, anh Điệp và các thành viên HTX mong muốn địa phương tiếp tục tạo điều kiện giúp HTX nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hoàng Lê