4C là viết tắt của 4 từ: Common (chung), Code (bộ quy tắc), Coffee (cà phê) và Community (cộng đồng). Bộ quy tắc 4C bao gồm các nguyên tắc xã hội, kinh tế và môi trường trong việc sản xuất, kinh doanh cà phê nhân bền vững. Sau khi ra đời vào năm 2017, HTX Thanh Thái đã định hướng cho các thành viên thực hiện quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C.
Bảo đảm an toàn lao động
Ban đầu, HTX chỉ có 24 thành viên, sau hơn 1 năm hoạt động, số lượng thành viên đã tăng thêm 200, chủ yếu là các hộ trồng cà phê trên địa bàn Nâm Nung, Đắk D'rô, Tân Thành với vùng nguyên liệu khoảng 500 ha.
Trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C giúp nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn lao động |
Thực hiện quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô chuyển giao kỹ thuật trồng cà phê sạch, đạt tiêu chuẩn 4C cho các thành viên.
Trong quá trình sản xuất, HTX khuyến khích các thành viên tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường canh tác cà phê bền vững, trồng thêm cây chắn gió vào vườn cà phê để giúp bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên và sức khỏe người tiêu dùng. Khi tỷ lệ quả chín đạt cao, các thành viên mới tiến hành thu hoạch.
Để bảo đảm mỗi thành viên trong HTX đều tuân thủ đúng nguyên tắc hoạt động, các thành viên sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát lẫn nhau về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các thành viên trong quá trình sản xuất được trang bị kiến thức về ATLĐ, khuyến cáo sử dụng các biện pháp bảo hộ, sản xuất cà phê an toàn, bảo vệ sức khỏe.
Từ khi tham gia HTX, các thành viên cũng như cộng đồng có cái nhìn đúng đắn hơn về sản xuất nông nghiệp sạch. Sản xuất theo tiêu chuẩn 4C đã giúp hạn chế một số thói quen trong sản xuất cà phê như: hái cà phê xanh, lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu... tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng, bảo đảm sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Chất lượng và giá trị cao
Chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Thanh Thái, xã Nâm Nung) đã có hơn 20 năm sản xuất cà phê nhưng chỉ đến khi tham gia HTX, chị mới mạnh dạn chuyển đổi phương pháp chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Chị Huệ cho biết sau khi tham gia HTX, chị được tập huấn các nguyên tắc ATLĐ, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích và xu hướng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn an toàn, hiệu quả.
Chế biến cà phê ướt giúp tăng giá trị sản phẩm |
Gia đình chị cũng đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua sắm máy chế biến ướt cà phê, xây dựng nhà lưới rộng 160m2 để chế biến, phơi cà phê ngay sau khi thu hoạch. Trong quá trình chế biến, tất cả những quả cà phê xanh, mốc hỏng, sâu bệnh đều được máy loại bỏ ra ngoài để bảo đảm 100% hạt cà phê chế biến là cà phê chín, chất lượng.
Việc áp dụng quy trình sản xuất chế biến cà phê mới này, chất lượng và giá cả cao hơn so với sản xuất cà phê kiểu truyền thống. Sản phẩm cà phê nhân của gia đình chị Huệ sản xuất ra sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Chị Huệ chia sẻ: Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C yêu cầu cà phê thu hoạch phải chín 100% thì mới chế biến ướt được. Cách chế biến ướt tuy mất nhiều thời gian, tốn nhiều công hơn cách làm truyền thống nhưng thu lại được hạt cà phê tốt, đạt được chất lượng mình mong muốn.
Không riêng gia đình chị Huệ, các thành viên của HTX đã dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất cà phê, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng và giá trị cao.
Ông Dương Thành Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết: "Hoạt động của HTX đã góp phần đưa cà phê địa phương phát triển theo hướng bền vững, chất lượng, chế biến được cà phê bột và xây dựng được thương hiệu cà phê để bán ra thị trường, tạo hướng đi đúng đắn cho người dân phát triển sản xuất bền vững.
Hoàng Lê