Tổ hợp tác đang có thành công lớn nhờ nuôi thủy sản sạch |
Mở hướng đi mới
Lạc Vân là xã thuộc vùng chiêm trũng của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Việc thường xuyên xảy ra ngập lụt khiến khả năng phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng của xã gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, nhằm biến những khó khăn thành lợi thế, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã học hỏi và phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản và cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Năm 2017, nhằm phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, THT thanh niên nuôi thủy sản xã Lạc Vân được thành lập. THT ra đời với 4 thành viên chính thức, các thành viên đều là đoàn viên thanh niên.
Anh Trương Văn Nghiêm – Tổ trưởng THT thủy sản Lạc Vân, cho biết ngay từ khi hoạt động, các thành viên THT đã xác định nâng cao kỹ thuật và bảo vệ môi trường là hai yếu tố cốt lõi mở ra sự thành công bền vững, lâu dài.
Vì vậy, bằng nhiều phương thức, từ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tham khảo sách, báo, tài liệu, đến học hỏi trên internet, phương tiện thông tin đại chúng…, các thành viên đều triển khai sản xuất theo hướng an toàn, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là chất lượng nguồn nước.
Việc xác định tôn chỉ rõ ràng không chỉ giúp THT đi đúng hướng, ổn định sản xuất mà còn nhận được sự hỗ trợ của các ban, ngành địa phương. Điển hình là nguồn vốn hỗ trợ 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vào năm đầu thành lập.
Mô hình chăn nuôi dê của THT cũng đang cho thành công bước đầu |
Mở rộng quy mô
Nhờ sự chủ động của thành viên và sự trợ lực từ địa phương, hoạt động của THT nhanh chóng có những chuyển biến mạnh mẽ. Xuất phát điểm với khoảng 2 ha nuôi trồng, sau một năm, THT nâng diện tích lên gấp 3, các loại cá dần đa dạng hơn điển hình như trắm đen, trắm cỏ, chép, mè…
Đến nay, THT đã nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản lên hơn 10 ha, doanh thu hàng năm đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng. Quy trình sản xuất của THT cũng ngày càng được hoàn thiện. Đời sống kinh tế, tinh thần của thành viên liên tục được nâng cao.
Tổ trưởng Trương Văn Nghiêm chia sẻ: “Các diện tích nuôi thủy sản của THT được chăn nuôi tự nhiên, sử dụng thức ăn chế biến từ phù du, ốc, cá tạp nên đảm bảo vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó tạo môi trường sinh thái trong lành, nâng cao sức khỏe cho người sản xuất”.
Vào tháng 9/2019, nhờ hoạt động hiệu quả, THT tiếp tục được tạo điều kiện vay hơn 200 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Những nguồn vốn vay kịp thời giúp THT tự tin mở rộng lĩnh vực sản xuất. Hiện, THT đang có những thành công ban đầu với mô hình chăn nuôi dê.
Cũng giống như với thủy sản, mô hình chăn nuôi dê của THT cũng được chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhằm mở hướng đi bền vững. Đơn cử, trong vấn đề môi trường, THT xây dựng hệ thống trang trại khoa học, có khu thu gom chất thải đúng quy định. Đàn dê được tiêm phòng đầy đủ, hạn chế chăn thả tự do.
Mộc Miên