Mô hình lúa hữu cơ tại Đồng Phú đang được nhân rộng |
Thay đổi tư duy sản xuất
Được sự hỗ trợ từ dự án “Nâng cao năng lực sản xuất cho hộ nông dân” do tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản) phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, năm 2012, mô hình sản xuất lúa hữu cơ chính thức được triển khai trên địa bàn xã Đồng Phú, với tổng diện tích 2 mẫu, 9 hộ nông dân tham gia.
Thực hiện mô hình, các hộ sản xuất được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của tổ chức JICA tổ chức tập huấn về kỹ thuật, nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất từ khâu lựa chọn giống đến sử dụng máy móc, vật tư nông nghiệp, sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng gạo hữu cơ.
Dưới sự giám sát, hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, các thành viên tham gia mô hình từng bước thay đổi thói quen, nắm vững quy trình kỹ thuật, ghi chép đầy đủ nhật ký nông hộ (từ ngày giờ phun thuốc, bón phân, chủng loại, đến liều lượng vật tư sử dụng...).
Theo chia sẻ của người dân, trước đây, Đồng Phú chủ yếu gieo cấy các giống lúa thuần, lúa lai, song do sản xuất nhỏ nên giá trị canh tác thấp. Chỉ đến khi mô hình lúa hữu cơ được thực hiện, các chuyên gia mở lớp tập huấn, tư duy sản xuất của người dân mới bắt đầu thay đổi, từ đó mở ra hướng đi mới hiệu quả hơn.
Không chỉ có lúa, Đồng Phú còn áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ trên một số loại cây trồng khác như khoai tây, bí xanh, đậu tương, mang lại thu nhập cho người nông dân bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/sào/vụ.
Nhờ sản xuất sạch, sản phẩm gạo Đồng Phú được đánh giá rất cao |
Hiệu quả kép
Việc thay đổi tư duy sản xuất để phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ đã giúp các hộ dân trên địa bàn xã Đồng Phú gặt hái thành công không chỉ về kinh tế mà còn mang lại những lợi ích vượt trội về môi trường.
Về kinh tế, kết quả nhiều năm qua cho thấy trồng lúa hữu cơ cho hiệu quả gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa thường. Sản phẩm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng nên người sản xuất hoàn toàn không phải lo vấn đề đầu ra.
Ông Trần Văn Phượng (thôn Thượng Phúc), cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào lúa gieo cấy theo phương pháp hữu cơ, gạo ăn rất ngon, dẻo, vị đậm nên không lo đầu ra. Với giá bán trung bình từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ”.
Về môi trường, bà Trịnh Thị Nguyệt - Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, cho biết trong sản xuất lúa hữu cơ, người nông dân không sử dụng các loại phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân bón và thuốc BVTV hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Với phương thức sản xuất hữu cơ, người trồng lúa ở đây luôn tự hào vì những bông lúa sạch mình làm ra, không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, bà Nguyệt nhấn mạnh.
Tạo nên những giá trị ưu việt nên sau khi kết thúc dự án của JICA, người dân Đồng Phú vẫn duy trì và mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ. Từ 2 mẫu ruộng ban đầu, đến vụ Xuân 2018, tổng số diện tích lúa hữu cơ đã mở rộng lên đến 45ha, giá trị thu nhập từ 1 ha sản xuất lúa hữu cơ đạt 160 triệu đồng.
Để chỉ đạo sản xuất, làm dịch vụ thu mua lúa hữu cơ của nhân dân rồi xay xát và đóng gói tiêu thụ, tháng 9/2017, HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được thành lập. Đến nay, HTX đã có 141 thành viên tham gia và hoạt động có hiệu quả.
Mộc Miên