Trong những năm gần đây, các HTX lâm nghiệp đang góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy ngành lâm nghiệp đi lên theo hướng bền vững.
Cái khó bó cái khôn
Tiêu biểu như HTX nông lâm nghiệp Hiệp Thuận (Quảng Nam) thành lập năm 2017 nhưng đã hỗ trợ các hộ nông dân toàn xã Hiệp Thuận phát triển 1.600ha rừng sản xuất, trong đó có 1.500ha trồng keo nguyên liệu, gần 80ha cao su tiểu điền. Hay HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh (Yên Bái) đã phối hợp với 31 nhóm hộ trồng rừng tại Yên Bình xây dựng xưởng xẻ COC tiêu thụ các sản phẩm rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Từ đó, hình thành mối liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp ngày một chặt chẽ, sản phẩm sản xuất có đầu ra với giá thành ổn định.
Những cánh rừng sản xuất theo hướng bền vững, đạt tiêu chuẩn FSC đã và đang góp phần quan trọng trong phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giảm thiểu xói mòn đất và chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các HTX lâm nghiệp hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như vốn chủ sở hữu ít, chủ yếu vốn vay từ các tổ chức tín dụng nhưng trong ngắn hạn, trong khi thời gian trồng và thu hoạch rừng thường kéo dài. Chẳng hạn như cây keo có thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch là khoảng 7 năm, còn đối với các loại cây khác, vòng thu hoạch sẽ dài hơn.
Ông Võ Tấn Hoàng, Giám đốc HTX Lâm nghiệp Hoàng Lâm (Đăk Lăk) cho hay, đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay đơn vị đã trồng được hơn 300 ha rừng keo. Phải 2 năm nữa, cây keo mới có thể cho thu hoạch nên HTX phải nhập nguồn nguyên liệu từ các địa phương khác về chế biến. Ngoài ra, HTX cũng đang cần nguồn vốn để tiếp tục đầu tư chế biến, mua giống phục vụ mở rộng diện tích.
Khó khăn về việc phải duy trì hoạt động trong lúc chờ đợi đến kỳ thu hoạch là đặc điểm chung của các HTX lâm nghiệp. Điều này cũng đúng với thống kê của Bộ NN&PTNT khi cả nước trồng 179.752 ha là rừng có chứng chỉ FSC thì hiện mới chỉ có khoảng 20 - 30% trong tổng diện tích này đã cho khai thác cây gỗ lớn, còn lại là đang trong giai đoạn “chờ” thu hoạch.
Để có thể hoàn thiện chuỗi giá trị gỗ lớn, các HTX rất muốn vay vốn để chăm rừng và bảo đảm sản xuất nhưng việc tiếp cận nguồn vốn đối với các HTX là không hề dễ dàng. Bởi theo những người đứng đầu HTX, những hộ trồng rừng khó đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về đất đai, trong đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ thực địa ranh giới…
HTX trồng rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu. |
Do thủ tục phức tạp, trong khi nông dân hạn chế kiến thức và quy trình pháp luật nên không thể tiếp cận với nguồn hỗ trợ này mà chủ yếu vay từ các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Thêm vào đó, một số địa phương chính quyền chưa thực sự vào cuộc làm cầu nối giữa doanh nghiệp và HTX xây dựng mối liên kết trồng rừng gỗ lớn, nhất là trong việc xác nhận đất đai, ranh giới rừng. Điều này cũng làm thất thoát không ít lòng tin của người dân trong việc phát triển HTX lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, một số quy định trong Luật HTX 2012 vẫn chưa tạo điều kiện cho HTX lâm nghiệp phát triển. Cụ thể như chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chỉ ưu tiên đối với các HTX có quy mô lớn về thành viên, tạo quy mô hàng hóa lớn, sản xuất theo cụm liên ngành và chuỗi giá trị. Theo các chuyên gia, những điều kiện như vậy các HTX lâm nghiệp rất khó đạt để được hưởng chính sách hỗ trợ này.
Những lực cản về vốn, cơ chế chính sách đang khiến HTX lâm nghiệp chưa thể lớn mạnh. Theo thống kê, cả nước hiện có trên 12.000 HTX nông nghiệp có hoạt động lâm nghiệp và 130 HTX chuyên về lâm nghiệp, 176 tổ hợp tác lâm nghiệp và gần 1 triệu hộ nông dân có sản xuất, kinh doanh dịch vụ lâm nghiệp. Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng thực tế của Việt Nam.
Xây dựng hệ sinh thái bền vững
Thực tế cho thấy, nếu trồng rừng gỗ lớn, các HTX cần phải có kinh phí để đầu tư bài bản vì thời gian cây đứng dài gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trồng rừng gỗ nhỏ.
Ông Võ Vĩnh Hải, Giám đốc HTX lâm nghiệp bền vững An Thiên (Quảng Bình), cho biết, 1ha keo trồng trong 7 năm sẽ tốn chi phí khoảng 40-45 triệu đồng. Nếu nuôi được rừng cây từ 8-12 năm trở đi thì sẽ tốn ít công chăm sóc hơn, hiệu quả cao hơn nhưng lại cần trường vốn trong khi hiện nay chưa thấy nguồn vốn ưu đãi cụ thể nào dành riêng cho trồng rừng gỗ lớn.
“Về cơ bản chưa có được sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách tín dụng để cho bà con, HTX có nguồn vốn ổn định trong suốt quá trình sinh trưởng của cây rừng. Bởi vậy, tâm lý nhiều người vẫn muốn khai thác sớm để có tiền trả nợ ngân hàng”, ông Hải nói.
Trước tình trạng trên, TS Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) cho rằng, các tổ chức tín dụng cho HTX lâm nghiệp vay vốn cần xem xét để có thể bảo đảm được sự linh hoạt, theo chu kỳ của rừng cây trồng. Bởi thông thường, các rừng cây trồng theo hướng bền vững thường có thời gian dài nên nếu cho vay ngắn hạn rất khó cho các HTX lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có những hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển rừng, quản lý rừng, chứng chỉ rừng, phí môi trường đối với các HTX lâm nghiệp. Thực tế các chính sách này đã được Nhà nước ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho HTX lâm nghiệp nên quá trình áp dụng và thực hiện của các HTX lâm nghiệp chưa hiệu quả và chưa đồng bộ.
Song song với việc tháo gỡ chính sách về vốn vay cho các HTX, cần quan tâm đến các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX theo đúng quy định. Để làm được điều này rất cần sự chủ động vào cuộc của chính quyền các địa phương nhằm có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, phù hợp với tính đặc thù của HTX lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, cần hoàn hiện Luật HTX 2012 và các luật khác liên quan theo hướng thông thoáng hơn, cởi mở hơn, ổn định hơn cho các HTX lâm nghiệp. Đi cùng với đó là có cơ chế, chính sách bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm lâm nghiệp-rừng trồng phù hợp để người trồng rừng, HTX lâm nghiệp giảm gánh nặng khi bị rủi ro.
Muốn nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, các ngành chức năng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ hợp tác, HTX lâm nghiệp chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rừng hiệu quả hơn hoặc đẩy mạnh cổ phần hóa các lâm trường để người dân, HTX lâm nghiệp tham gia trồng, quản lý, khai thác đất rừng một cách hiệu quả, bền vững.
Tùng Lâm