Nhằm thúc đẩy KTTT, HTX khu vực miền Trung – Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với quá trình chuyển đổi số, công nghệ và phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung – Tây Nguyên, lần thứ nhất gắn với năm du lịch quốc gia Quảng Nam năm 2022.
Nhiều câu chuyện thành công với cách làm mới
Thời gian qua, nhiều HTX tại một số tỉnh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã và đang thành công với tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ.
Như tại Nghệ An, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Nghệ An (XanhMart), đã chú trọng đổi mới hình thức hoạt động, ứng dụng khoa học công nghệ, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn của HTX ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, có giá trị, như rau củ quả sạch, hải sản chế biến, nông sản chế biến. Với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, làm tốt khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào, đổi mới hình thức marketing, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, từ đó làm tốt vai trò là "bà đỡ" cho các HTX thành viên.
Chuyển đổi số khu vực HTX miền Trung - Tây Nguyên là xu thế tất yếu, mang lại hiệu quả cao. |
Ngoài ra còn có nhiều HTX đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất, như sản xuất dược liệu ở HTX Pù Mát (Con Cuông), HTX Tinh bột sắn dây (Nam Đàn), HTX Măng tây (Quỳnh Lưu)... Bên cạnh đó, còn nhiều HTX mới thành lập, với các giám đốc HTX là những người nhạy bén trong tiếp cận thị trường số, mang sản phẩm của HTX vươn xa đến mọi miền Tổ quốc, như HTX Sen Quê Bác, HTX Công nghệ cao Chanh Nam Kim (Huyện Nam Đàn), HTX Trà Lân (Con Cuông)…
Ngoài Nghệ An thì Hà Tĩnh cũng là địa phương có nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa quy mô vừa và lớn hơn mang lại hiệu quả kinh tế, trên các lĩnh vực như: HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương, HTX thu mua và chế biến thủy Hải sản Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh), HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Chiến Thắng (thị xã Kỳ Anh), hợp tác xã Mật ong Cường Nga Hương Sơn (huyện Hương Sơn)...
Với tỉnh Quảng Bình, HTX Sản xuất Nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh đã thực hiện đột phá trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào quy trình sản xuất, phục vụ cho hệ thống máy móc, nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến… nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho các thành viên.
Diễn đàn kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung – Tây Nguyên, với chủ đề: “Kinh tế tập thể, Hợp tác xã với chuyển đổi số, để phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19”. Được tổ chức trong 02 ngày (18-19 tháng 5 năm 2022). Ngoài Diễn đàn kinh tế tập thể, HTX, sẽ có các sự kiện kèm theo như: Ngày hội Xúc tiến thương mại; Hội thi Hợp tác xã tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2022.
Ở tỉnh Khánh Hòa cũng có nhiều mô hình HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm, điển hình như: HTX VietGAP Nha Trang tại huyện Diên Khánh, HTX sản xuất rau an toàn Ninh Đông thị xã Ninh Hòa, HTX cây ăn quả Sơn Bình huyện Khánh Sơn. Các HTX này đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động, cải tạo nhà xưởng sơ chế, nhà lưới che chắn côn trùng, kho lạnh bảo quản và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, trường học.
Tỉnh Bình Thuận, trong những năm qua xuất hiện một số mô hình HTX ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như: HTX muối Thanh Phong áp dụng công nghệ cơ giới hóa trong sơ chế muối; HTX dịch vụ sản xuất Hàm Minh 30, HTX Thanh long Hòa Lệ, HTX Thanh long Thuận Tiến trồng thanh long theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; HTX nấm Phúc Thịnh áp dụng công nghệ bán tự động trong nuôi trồng một số loại nấm; HTX thanh long Hàm Đức áp dụng công nghệ lên men để sản xuất rượu vang thanh long; HTX thanh long hữu cơ Phú Hội, HTX thanh long an toàn Hàm Đức áp dụng công nghệ bảo quản thanh long trong kho lạnh; HTX rau an toàn Tiến Phát trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh trong nhà lưới, nhà màng; HTX Công nghệ cao Bình Minh áp dụng công nghệ nhà lưới có hệ thống điều khiển bán tự động trong trồng dưa lưới...
Yêu cầu cấp thiết cho phát triển bền vững
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chuyển đổi số khu vực KTTT, HTX là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững. Với đặc thù của vùng Tây Nguyên, vẫn còn những khoảng cách khác biệt giữa vùng đô thị với vùng nông thôn, do vậy việc chủ động ứng dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thấy khu vực này đang dần chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hiện đại hiệu quả và bền vững hơn.
Ứng dụng khoa học-công nghệ, nông nghiệp 4.0, tạo sự đột phá để đưa khu vực KTTT, HTX phát triển. |
Đắk Lắk, là một trong những địa phương tích cực trong việc liên kết sản xuất chuyển đổi cây trồng, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình, huyện Krông Bông, đã mạnh dạn đưa giống lúa ST24, ST25 về sản xuất tại huyện, hình thành được chuỗi lúa gạo khép kín, liên kết, xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm RVT, ST24, OM49, Đài Thơm 8. Sản phẩm Gạo của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thăng Bình là sản phẩm đạt OCOP tiêu chuẩn 4 sao và đang được tổ chức hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp mức chất lượng đạt phân hạng 5 sao.
Ngoài ra còn có HTX nông nghiệp, dịch vụ công bằng Ea Kiết là đơn vị tiên phong trong việc liên kết, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển từ bán sản phẩm thô sang chế biến tinh, hình thành chuỗi giá trị cà phê khép kín.
Ở Lâm Đồng có mô hình HTX Laba Banana Đạ K’Nàng huyện Đam Rông là mô hình mới thành lập. Với hơn 60 hộ thành viên và hộ nông dân liên kết với HTX trong tổ chức sản xuất, thu mua và tiêu thụ chuối xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. HTX áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, mỗi gốc chuối được gắn chíp theo dõi quá trình phát triển, xây dựng kho xưởng đóng gói, kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch,.. kết quả doanh thu những năm gần đây đạt trên 20 tỷ đồng, góp phần giải quyết lượng lớn lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Đại diện Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ, điều kiện tiên quyết để các HTX có thể thực hiện chuyển đổi số là thay đổi mô hình quản trị. Công nghệ số sẽ cung cấp cho các HTX rất nhiều thông tin và các HTX cần phải có mô hình quản trị tốt để có thể xử lý thông tin đó.
Chính vì thế, các HTX, đặc biệt là lãnh đạo HTX cần được tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản trị. Các thành viên HTX cũng cần được tuyên truyền để thay đổi tư duy từ cạnh tranh sang hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau. Cùng với đó, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, cùng các cấp ngành địa phương cần cung cấp thêm các dịch vụ cho HTX như thông tin sản xuất, tư vấn sản xuất, chẩn đoán sâu bệnh, khoa học công nghệ để hướng tới phát triển bền vững.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn Bộ NN&PTNT cho rằng, đây được xem là thời điểm “vàng” cho việc tái cấu trúc, chuyển đổi số khu vực KTTT, HTX, khi nhiều địa phương đang vào cuộc quyết liệt, các HTX đã có những tiếp cận phù hợp với khoa học-công nghệ, nông nghiệp 4.0, tạo sự đột phá để đưa khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, hiện đại và bền vững.
Đoàn Huyền