Nhận thấy hiệu quả của mô hình sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn nhưng HTX nông nghiệp nông sản sạch Bình Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) dù đã hoạt động đã được 3 năm vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm diện tích đất để xây dựng cánh đồng lớn trồng cây ăn quả và rau màu.
Khó tích tụ ruộng đất
Để giải quyết tình trạng này, HTX đã phải liên kết với 20 nhóm hộ nông dân trồng 30 ha cây ăn quả và rau an toàn trên địa bàn xã Bắc Phú nhưng nằm rải rác ở các thôn. Ông Nguyễn Định Công, Giám đốc HTX cho rằng cách làm này giúp HTX đảm bảo số lượng sản phẩm cung ứng cho bạn hàng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là trình độ canh tác của bà con không đồng đều kéo theo chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng, ngoài ra là tình trạng một số bà con không thực hiện đúng cam kết...
Khó khăn của HTX Bình Minh thực chất cũng là khó khăn mà nhiều HTX đang vướng phải. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, số lượng HTX được hưởng thụ chính sách hỗ trợ giao đất, cho thuê đất là không nhiều, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số HTX nông nghiệp trên cả nước. Nguyên nhân là do một số cơ chế chính sách trong Luật Đất đai 2013 đang cản trở quá trình tích tụ ruộng đất.
Cụ thể như, HTX muốn thuê được đất của người dân thì phải đàm phán thành công với các hộ đó. Tuy nhiên, tại Điều 62 Luật Đất đai hiện nay đang quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với phạm vi rất rộng, không có sự phân biệt rõ ràng giữa việc thu hồi đất cho mục đích xã hội với các dự án thương mại. Điều này không những tạo ra những xung đột lớn về lợi ích giữa HTX, doanh nghiệp đứng ra đầu tư các dự án nông nghiệp với người cho thuê đất khi có đất nông nghiệp bị thu hồi, mà còn tạo kẽ hở lớn cho việc đầu cơ đất nông nghiệp nhằm chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác, không phải đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
Hay trong mục b, điều 58 của Luật Đất đai cũng chưa đề cao vai trò của chính quyền địa phương (HĐND) khi chỉ được phép chấp thuận cho nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp dưới 10 ha đất lúa, hoặc 20 ha đất rừng phòng hộ, đặc dụng…
Một số quy định trong Luật Đất đai đang là rào cản cho các HTX khi tích tụ đất để thực hiện sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. |
Theo các chuyên gia, những quy định trên chính là những rào cản lớn nhất khiến HTX khi muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cũng không thể yên tâm và cam kết đầu tư lâu dài vào đất nông nghiệp vì có thể sẽ bị thu hồi bất cứ lúc nào. Trong khi nếu chỉ được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp dưới 10 ha đất lúa, hoặc 20 ha đất rừng phòng hộ, đặc dụng… thì đây là quy định cứng nhắc, không đủ để phát triển các cánh đồng lớn theo mục tiêu tái cơ cấu của ngành nông nghiệp.
Ngoài khó khăn trong việc tích tụ, tập trung ở những quy mô thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện các HTX còn gặp khó khăn trong việc sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất lúa cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, nhà xưởng, kho, cơ sở chế biến, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Nguyên nhân là vì trong Luật Đất đai chưa có những quy định cụ thể về nội dung này mà chỉ ghi “các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ được phép xây dựng trên loại đất nông nghiệp khác, được xác định trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và phải sử dụng theo đúng mục đích sử dụng đất do Nhà nước quyết định”.
Theo các HTX, quy định như vậy thì khi có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất không phải là “đất nông nghiệp khác” sẽ không được xây dựng, từ đó làm hạn chế việc phát triển sản xuất của HTX theo hướng hiện đại, công nghệ cao.
Tháo nút thắt
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dù đã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất nhưng mỗi hộ dân sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay chỉ có trung bình 0,8 ha đất nông nghiệp và diện tích này thường phân thành ít nhất 4 mảnh nhưng không liền kề. Điều này khiến sản xuất rơi vào cảnh manh mún, nhỏ lẻ, không hiệu quả do khó đầu tư, áp dụng cơ giới hóa để gia tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm khi sản xuất theo hướng hàng hóa... Nếu tăng được quy mô sản xuất nông nghiệp phù hợp sẽ giúp tăng tỷ suất lợi nhuận trên mỗi đồng vốn hoặc tăng năng suất trên mỗi ngày công lao động.
Thực tế, việc đầu tư sản xuất theo quy mô lớn theo hướng tích tụ ruộng đất đã được thực hiện hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn như ở Nhật Bản là nước có điều kiện tự nhiên tương đương Việt Nam với diện tích đất nông nghiệp có hạn do đô thị hóa cao. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình nông dân Nhật đạt trung bình 2ha nên dễ đầu tư công nghệ cao, từ đó mang lại thu nhập bình quân 14.500 USD/ha. Còn ở Việt Nam, thu nhập trung bình hiện chỉ khoảng 5.000-6.000 USD/ha.
Ông Richard Vander Maden, chuyên gia tư vấn của Liên đoàn HTX Hà Lan- Agriterra, từng cho biết, tại Hà Lan, quy mô trung bình của một trang trại là khoảng 25 ha, Australia là khoảng 4.000 ha. Hay ở Mỹ, quy mô mỗi trang trại cũng vào khoảng 200 ha.
Theo các chuyên gia, tuy nông nghiệp ở Việt Nam khó đạt được quy mô lớn như các nước trên, nhưng thực tế cần nhìn nhận rằng, chỉ có sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa thì mới nâng cao năng suất, phát triển được các chuỗi giá trị, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân và thành viên HTX.
Để làm được điều này, HTX phải có đất, bởi đất đai không chỉ để xây dựng trụ sở làm việc, kho chứa, công trình phụ trợ, mà còn là tư liệu sản xuất để mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút thành viên...
Muốn vậy, Nhà nước cần nhanh chóng đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Trong đó, cần gỡ bỏ các rào cản cứng nhằm hạn chế việc giao dịch đất nông nghiệp, thay vào đó là các chế tài đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích sử dụng đất. Các tiến trình giao dịch đất nông nghiệp cần được thực hiện dựa trên cơ chế thị trường, có sự thỏa thuận và đồng thuận của các bên, Nhà nước hỗ trợ về mặt pháp lý và tư vấn để đảm bảo quyền và lợi ích của nông dân, HTX trong các giao dịch này.
Chẳng hạn như từ Điều 107 đến Điều 119 có quy định về tài chính đất đai, giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng theo các HTX, việc đấu giá quyền sử dụng đất dù Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho HTX có thể tiếp cận với nguồn đất sạch nhưng thực tế, HTX không đủ “mạnh” để có thể tham gia đấu giá như các doanh nghiệp nên rất khó có được nguồn đất từ quá trình đấu giá. Chính vì vậy, quy định về việc tiếp cận nguồn đất đai cho HTX cần rõ ràng, thậm chí là nên có nghị định riêng cho HTX để tạo điều kiện cho HTX tích tụ ruộng đất và sử dụng đất hiệu quả.
Bên cạnh đó cần có hướng dẫn, quy định cụ thể về việc sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất lúa cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, nhà xưởng, kho, cơ sở chế biến, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… của các HTX. Vì hiện nay, đầu tư cho sản xuất theo hướng hiện đại, công nghệ cao là vô cùng cần thiết.
PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng Luật Đất đai 2013 không cho nông dân quyền được sử dụng giá thị trường cho diện tích đất bị thu hồi cho các mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp, và không loại bỏ các hạn chế về quyền sử dụng đất, diện tích đất cho mỗi hộ gia đình, sự lựa chọn các loại cây trồng, chuyển giao và trao đổi đất. Những quy định này dẫn đến hạn chế khả năng tích tụ đất đai và gây trở ngại cho HTX, doanh nghiệp đầu tư dài hạn
Vì thế, việc điều chỉnh Luật Đất đai và các quy định của pháp luật liên quan cần phải phù hợp với tính chất, quy mô, hình thức hoạt động theo hướng ưu đãi hơn cho các HTX. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế khuyến khích việc tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là đối với việc hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp tập trung quy mô lớn để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.
Huyền Trang