Để đẩy mạnh chế biến, ngoài việc thu hút các doanh nghiệp thì đầu tư cho các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản quy mô nhỏ như các HTX tại vùng sản xuất nguyên liệu là một trong những điều quan trọng nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch và phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương.
Máy móc, công nghệ chưa khép kín
Nắm bắt được điều này, đã có những HTX chủ động đầu tư cho khâu sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Tiêu biểu như HTX chế biến nông sản Bốn Thuận (Nam Định) đã đầu tư xây dựng sân phơi, nhà xưởng, trạm biến áp, cân điện tử và hệ thống băng chuyền máy móc hiện đại, trong đó máy tách màu, máy lau bóng gạo với nguồn vốn hàng tỷ đồng.
Sản phẩm gạo của HTX đã trải qua các công đoạn khép kín, loại bỏ tạp chất, được xát trắng, lau bóng, lọc sạn… đảm bảo chất lượng theo quy trình khép kín. Nhờ đó, đầu ra cho sản phẩm cũng thuận lợi hơn khi HTX ký kết tiêu thụ với số lượng lớn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những HTX có tiềm lực, tận dụng được chính sách hỗ trợ của nhà nước và địa phương thì không ít HTX vẫn gặp khó khăn trong khâu sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Bà Lò Thị Thủy, Giám đốc HTX Đoàn Kết (Sơn La) cho biết, mặc dù đã đầu tư kho lạnh bảo quản và máy sấy nhãn nhưng do nguồn vốn có hạn nên kho lạnh của HTX có diện tích rất nhỏ, chỉ có thể chứa được tối đa 10 tấn quả nên chưa tối ưu được công tác sau thu hoạch.
Đầu tư máy móc phục vụ bảo quản, chế biến nông sản là con đường tất yếu để nâng cao giá trị và mở rộng đầu ra cho nông sản. |
Ông Nguyễn Tiến Diện, thành viên HTX Bún khô Tiến Diện (Thái Nguyên) cho biết, dù đầu tư máy móc phục vụ chế biến nhưng công nghệ chưa được tự động và khép kín hoàn toàn, một số khâu còn làm thủ công. Chính vì vậy, ông Diện cũng như các thành viên khác đều rất mong được hỗ trợ về máy móc hoặc được hỗ trợ vốn để hoàn thiện quy trình chế biến theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Có thể thấy, hầu như các HTX đều ý thức được rằng, đầu tư cho chế biến, sơ chế, bảo quản có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, nguồn lực của nhiều HTX, tổ hợp tác có hạn nên hệ thống máy móc, nhà xưởng vẫn chưa được hiện đại, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Trong số đó, công nghệ bảo quản, chế biến rau quả của nhiều HTX còn rất thấp. Theo các chuyên gia, số lượng chủng loại rau quả tươi có công nghệ bảo quản trên 30 ngày trở lên còn ít nên không thể xuất khẩu cho thị trường xa mà phần lớn chỉ đủ thời gian để tiêu thụ ở thị trường gần Trung Quốc (khoảng 70%).
Đây chính là nguyên nhân khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 đã gây ra ách tắc kéo dài, thậm chí đổ bỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến HTX, người dân và hình ảnh nông sản Việt.
Thực tế, Nhà nước đã thấy được vai trò của chế biến, bảo quản nông sản tại các HTX vì đây đều là nơi trực tiếp xây dựng vùng nguyên liệu. Thế nhưng, dù Nghị định số 193/2013/NĐ-CP đã quy định sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, cấp tỉnh và kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ để hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX đổi mới, ứng dụng công nghệ nhưng theo tổng hợp của các địa phương, đến thời điểm này, vẫn chưa có HTX nào được hỗ trợ chính thức từ nghị định này.
Những HTX có thể nhận được nguồn hỗ trợ phục vụ cho chế biến nông sản là nhờ một số địa phương bố trí kinh phí từ các nguồn khác nhau để hỗ trợ các HTX nông nghiệp. Cụ thể là các địa phương đã vận dụng các chính sách hiện hành như chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, khuyến nông, chính sách hỗ trợ chế biến và ngành nghề nông thôn… để thực hiện hỗ trợ cho các HTX.
Điển hình như An Giang đã lồng ghép một số dự án và hỗ trợ 3 HTX với số tiền khoảng 15 tỷ đồng để xây dựng nhà kho, lò sấy, máy gặt đập liên hợp. TP.Cần Thơ lồng ghép các chính sách, dự án hỗ trợ cho 2 HTX xây dựng nhà kho trên 5 tỷ đồng; 3 HTX sơ chế chế rau trên 75 triệu đồng. Hay Quảng Trị lồng ghép các chính sách hỗ trợ cho 4 HTX, bao gồm máy xay xát gạo, nhà xưởng và trang thiết bị sơ chế sản phẩm nông nghiệp…
Tuy nhiên, việc hỗ trợ này còn chưa “thấm vào đâu” vì theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2013-2021, từ nguồn kinh phí linh hoạt, cả nước mới hỗ trợ về chế biến sản phẩm cho 405 HTX với tổng kinh phí là 102 tỷ đồng. Trong khi hiện nay, chỉ tính riêng lĩnh vực nông nghiệp, cả nước đã có khoảng 18.500 HTX.
Quy định ngặt nghèo
Theo các chuyên gia, thực chất Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ HTX đầu tư máy móc phục vụ chế biến và ngay trong Luật HTX 2012 có có quy định này. Tuy nhiên, điểm khó ở đây chính là các quy định đối với HTX được hưởng thụ rất nghiêm ngặt nên các HTX không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ.
Chẳng hạn như để tiếp cận gói vay về đầu tư máy móc chế biến nông sản, HTX nhập máy móc từ nước ngoài phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục như: hóa đơn, chứng từ và phải chứng minh được các máy móc này khi đưa vào sản xuất sẽ có hiệu quả, có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Khi đáp ứng được các điều kiện, HTX sẽ được ngân hàng hỗ trợ 70% vốn.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ còn giới hạn HTX chỉ được hỗ trợ khi đầu tư máy móc đó là có nguồn gốc sản xuất trong nước và có chứng từ, hóa đơn rõ ràng. Trong khi đó, hầu hết HTX thường lựa chọn máy nhập khẩu, nhiều chức năng, đa dạng chủng loại nên chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Đức Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, trong nước đã có những nghiên cứu thành công về công nghệ bảo quản sau thu hoạch như hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo, công nghệ sản xuất surimi… giúp giảm tỷ lệ hao hụt giảm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu này vào thực tiễn còn khó khăn do cơ chế của chúng ta chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, HTX ở trong nước tích cực tiếp cận công nghệ nội sinh. Điều này khiến các HTX, doanh nghiệp chủ yếu muốn mua máy móc, công nghệ nước ngoài.
Ngoài các quy định ngặt nghèo thì hàng loạt các quy định khác như phải có tài sản thế chấp khi vay vốn hay ngay chính hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp cũng chưa đến được nhiều HTX nên chưa kích thích được HTX mua sắm máy móc thiết bị. Trong khi danh mục chủng loại máy, thiết bị hỗ trợ chủ yếu được thực hiện ở quy mô hộ gia đình (Luật HTX 2012) nên chưa bảo đảm công bằng và chưa thấy hết được giá trị của mô hình KTTT trong khâu hậu thu hoạch. Đi cùng với đó là thời gian hỗ trợ lãi suất ngắn (3 năm) nên các HTX chưa thể hồi vốn để trả nợ ngân hàng. Do đó, có muốn cũng không thể thực hiện vay được.
Theo các nghiên cứu, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch sẽ nâng cao được giá trị nông sản. Chẳng hạn như trong chuỗi sản xuất lúa gạo, nếu giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoach xuống mức 5 - 6% sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6%. Do đó, cần phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để hỗ trợ cho HTX là điều vô cùng cần thiết để nâng cao giá trị hàng hóa. Muốn vậy, các chính sách hỗ trợ cần đủ mạnh, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của các HTX. Bên cạnh đó, khi thực hiện thì các thủ tục phải nhanh gọn, quy định rõ ràng để phù hợp với năng lực cũng như đáp ứng được yêu cầu cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp của các HTX.
Huyền Trang