Đó chính là mô hình sản xuất của Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà Hàm Giang (Sơn Hàm-Hương Sơn-Hà Tĩnh). Mô hình sản xuất này đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế cũng như môi trường. Việc xử lý chất thải, chăn nuôi khoa học đã được các thành viên áp dụng thành công.
Áp dụng kỹ thuật
Khi được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, các thành viên THT đã chú trọng đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Chuồng gà được xây dựng kiên cố. Nền chuồng được láng mịn để dễ triển khai các biện pháp sát trùng, vệ sinh chuồng trại.
Các thành viên cũng chú trọng đào hệ thống đường ống xử lý chất thải dọc theo hành lang của chuồng hoặc làm hệ thống ngầm trong chuồng. Chuồng nuôi đều được vệ sinh khử trùng tiêu độc trước khi nuôi. Khu vực chăn nuôi cũng có sân chơi cho gà và được rào chắn cẩn thận, tránh thú hoang xâm nhập hay gà đi lạc.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hòa, thành viên THT, đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi 100 con gà ri vàng rơm. Chỉ sau hơn 3 tháng chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật đã cho xuất chuồng lứa đầu tiên. Đến nay, chị đã mở rộng đàn lên gấp đôi và chăn nuôi theo hình thức gối lứa.
Chị Hòa là một trong 10 hội viên phụ nữ và cũng là thành viên THT chăn nuôi gà do Hội LHPN xã thành lập. Tham gia THT, các thành viên được Viện chăn nuôi Việt Nam cung cấp giống gà ri vàng rơm đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, được Hội LHPN huyện hỗ trợ vắc xin phòng bệnh và 2 bao thức ăn lứa đầu tiên. Ngoài ra, Hội phụ nữ đã tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gà cho các thành viên.
Nhờ áp dụng tốt các kiến thức đã được tập huấn vào việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà nên các mô hình chăn nuôi đều đạt yêu cầu đề ra. Các hộ luôn có ý thức chăm sóc tốt đàn gà, từ việc xây dựng chuồng trại, vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc bữa ăn hàng ngày… vì thế, mô hình chăn nuôi đang mang lại những hiệu quả thiết thực.
Trước đây, người dân chăn nuôi theo phương pháp truyền thống phải mất 4 – 5 tháng mới bán được một lứa và thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt của gia đình. Hiện nay, các hộ chỉ nuôi khoảng 3 – 3,5 tháng là đàn gà đã đạt trọng lượng 1,3 – 1,5 kg/con, xuất bán với giá bình quân 130 ngàn đồng/con, trừ chi phí mỗi lứa 100 con thu lãi từ 3 – 5 triệu đồng.
Một số hộ chăn nuôi đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật và chăm sóc tốt thu lãi gần 7-10 triệu đồng/lứa. Nếu chăn nuôi theo hình thức gối lứa, mỗi năm các hộ gia đình có thể nuôi được 4 lứa.
Chú trọng môi trường
Điều đặc biệt, khi chăn nuôi theo mô hình này, các thành viên đã chú trọng đến các yếu tố vệ sinh môi trường. Nhờ chuồng gà sử dụng trấu và mùn cưa là chất độn chuồng nên theo định kỳ, các thành viên mới phải dọn chuồng. Các thành viên thu gom phân chuồng, bổ sung trấu, rơm rạ, chế phẩm vi sinh ủ để làm phân bón cho các cây trồng, làm giá thể trồng rau.
Mô hình chăn nuôi gà của THT bảo đảm môi trường |
Ngoài ra, để hạn chế mùi hôi ở chuồng trại, các thành viên sử dụng thêm các chế phẩm vi sinh pha với nước và phun trên bề mặt diện tích chuồng nuôi để giảm mùi hôi.
Chính vì vậy, mô hình chăn nuôi của THT giải quyết được bài toán môi trường, bảo đảm môi trường chăn nuôi sạch sẽ để gà phát triển, đồng thời không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Hiện nay, THT cùng các cấp, các ngành liên kết với các nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối… để rộng đầu ra giúp sản phẩm phát triển ổn định hơn trên thị trường.
Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng bước đầu THT chăn nuôi gà của những hội viên phụ nữ thôn Hàm Giang đã chứng minh đây là hướng làm ăn hiệu quả, bền vững. Thông qua mô hình, nhằm giúp cho các hộ dân phát triển chăn nuôi gia cầm đảm bảo các yêu cầu về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm, góp phần nâng cao thu nhập.
Theo chị Hồ Thị Liệu – Tổ trưởng THT, hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà của THT là rất tốt, nhiều chị em muốn tăng thêm tổng đàn để phát triển kinh tế ổn định.
Việc duy trì và hoạt động hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hình thức THT ở xã Sơn Hàm đã góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng mà phụ nữ Sơn Hàm đang phấn đấu hoàn thành vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Huyền Trang