Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã công bố Quyết định cấp và trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím. Đây là CDĐL đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.
Nhận thấy vai trò lớn của HTX cũng như nâng cao chuỗi giá trị sản xuất hành tím được xem là sản vật địa phương, nên 6 năm trước, HTX hành tím Vĩnh Châu đã được thành lập với khoảng 50 ha đất sản xuất. Và, việc có thêm CDĐL sẽ giúp HTX có thêm nhiều cơ hội để phát triển.
Hành tím Vĩnh Châu
Theo Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Tp.HCM, hiện diện tích trồng hành tím của Sóc Trăng là 6.500 ha, được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Hành tím là một sản phẩm đặc sản của thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, đã gắn bó với người dân địa phương hơn 50 năm, với điều kiện tự nhiên phù hợp như: Đất đai, khí hậu… đã góp phần tạo nên danh tiếng, chất lượng của sản phẩm, mang lại những lợi thế trên thị trường và người tiêu dùng trong nước và quốc tế
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết việc cấp CDĐL Vĩnh Châu cho sản phẩm hành tím là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Như lưu ý của ông Phí, việc bảo hộ CDĐL mới là bước khởi đầu trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm mang CDĐL. Bởi lẽ, hầu hết quy mô sản xuất của các nông hộ nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất nhỏ bé, công tác tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế…Vì vậy, cần chú trọng vấn đề quản lý và sử dụng như thế nào để khai thác hết được những giá trị của CDĐL mang lại.
Ngoài hành tím Vĩnh Châu, giới chuyên gia cho rằng tỉnh Sóc Trăng cần có những chính sách hỗ trợ về nguồn lực để quản lý các CDĐL trên địa bàn tỉnh. Nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phát triển kênh thị trường cho người dân.
Hiện tại, năng suất trung bình của hành tím tại Vĩnh Châu đạt khoảng 14 - 15 tấn/ha. Sau thu hoạch và sơ chế, hành tím của nông hộ và HTX sẽ theo chân tiểu thương đến thị trường tiêu thụ ở Tp.HCM và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm gần đây, hành tím Vĩnh Châu còn được xuất khẩu sang Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan…
Nói về việc phát triển CDĐL cho đặc sản ở các địa phương, ông Lưu Đức Thanh - Giám đốc Trung tâm Thẩm định CDĐL và Nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT), cho rằng việc bảo hộ tên gọi (nhãn hiệu, CDĐL) cho đặc sản và các dịch vụ truyền thống cũng như tên của chủ thể (tên thương mại) sản xuất kinh doanh đặc sản hoặc các dịch vụ truyền thống là hết sức cần thiết.
Bảo hộ CDĐL có tác động không nhỏ tới giá trị của đặc sản địa phương |
Không thể đơn độc
Việc đăng ký tên gọi cho đặc sản và dịch vụ truyền thống, như chia sẻ của ông Thanh, không chỉ đơn thuần là đăng ký bảo hộ mà còn phải được bảo vệ, giữ gìn và phát triển nhằm nâng cao uy tín, ảnh hưởng của sản phẩm, dịch vụ mang tên gọi đó cũng như uy tín của chủ thể tạo ra chúng.
Do bản chất cộng đồng, nên các CDĐL, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận thường được xã hội nhìn nhận là các thương hiệu cộng đồng hay thương hiệu cho các đặc sản địa phương.
Giới chuyên gia cho rằng, ở giai đoạn mới phát triển thị trường, các HTX hay doanh nghiệp nhỏ không thể đơn độc với một nhãn hiệu của riêng mình. Bởi lẽ, họ sẽ gặp khó khăn về chi phí cũng như khả năng tiến hành thủ tục đăng ký và theo dõi hành vi xâm phạm SHTT của các đối thủ.
Do đó, nhiều HTX hoặc DN với một nhãn hiệu tập thể, như việc bảo hộ CDĐL cho sản vật địa phương sẽ khắc phục được các khó khăn đó, đồng thời nâng cao được sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình.
Sau khi đã thiết lập được vị thế cho nhãn hiệu tập thể đó, các HTX sẽ phát triển nhãn hiệu riêng của mình dưới cái ô nhãn hiệu tập thể. Do đó, nhãn hiệu tập thể là hình thức đặc biệt phù hợp để bảo vệ và phát triển nông, lâm, thuỷ sản và các sản phẩm làng nghề của nước ta.
Còn theo ông Pascal Billaud - Giám đốc điều hành Central Food Retail Group, Đại sứ châu Á về CDĐL của Liên Hợp Quốc, CDĐL là việc rất quan trọng với những hộ nông dân, nó cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm và bảo vệ đặc thù riêng về địa lý nơi ấy.
Thực tế cho thấy, với hoạt động của các HTX nông nghiệp như hiện nay cũng như việc tham gia sản xuất, nuôi trồng nhiều sản phẩm nông sản, CDĐL ngày càng giữ vai trò quan trọng, góp phần tích cực cho hoạt động xuất khẩu nông sản và ngay cả trên thị trường nội địa.
Mặc dù việc bảo hộ CDĐL cho các đặc sản có tác động không nhỏ tới giá trị của sản phẩm, giúp người nông dân và HTX bán được nông sản với giá cao, thế nhưng thách thức lớn hiện nay là số lượng CDĐL của Việt Nam đã đăng ký ở trong nước còn khiêm tốn và cũng chưa nhiều CDĐL của Việt Nam được đăng ký ra nước ngoài.
Thanh Loan