Tây Giang là huyện miền núi đặc biệt khó khăn với hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ và nhân dân huyện Tây Giang luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các sở, ban, ngành và đang nỗ lực tập trung cho việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, huyện tiếp tục đẩy mạnh, huy động các nguồn lực, kết hợp thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư. Mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ có trên 50% xã đạt chuẩn NTM.
Vẫn còn không ít khó khăn
Theo báo cáo xây dựng NTM, Tây Giang có 2/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 10,7 tiêu chí. Riêng Xã A Nông và xã Lăng sau khi đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Xã A Tiêng đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối tháng 7 này.
Làng mới Kínonh (xã A Xan) được đầu tư san ủi bố trí ổn định dân cư từ chương trình xây dựng NTM. (Ảnh: TL) |
Tuy nhiên, theo đánh giá, chất lượng xây dựng NTM ở Tây Giang chưa cao, còn thiếu bền vững. Nhiều tiêu chí đạt chuẩn nhưng chỉ dừng lại ở mức chạm ngưỡng, nhiều xã rớt từ 1 - 2 tiêu chí. Thu nhập của người dân vẫn còn quá thấp so với bình quân chung của tỉnh.
Theo ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, những xã chưa đạt chuẩn NTM có nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng rất lớn, nhưng khả năng huy động nguồn lực tại chỗ là không đáng kể. Trong khi đó, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn kéo dài, việc giải ngân vốn chậm. Theo quy định mới, chất lượng các tiêu chí được nâng lên và nhiều tiêu chí tăng thêm chỉ tiêu.
Thêm vào đó, ban chỉ đạo NTM cấp xã và thôn thiếu sự phối hợp đồng bộ, còn lúng túng trong công tác tuyên truyền, chưa tạo được phong trào hưởng ứng mạnh mẽ tham gia xây dựng NTM của người dân…
Bên cạnh các tiêu chí khó thực hiện như giao thông, thủy lợi, điện, nhà văn hóa thôn thì các tiêu chí như tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo và tiêu chí số 17 về môi trường thực hiện còn chậm.
“Cái khó của Tây Giang hiện nay là thu nhập. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, được mùa hay mất mùa đều phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong chăn nuôi, nhiều hộ dân còn quen với tập quán thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chưa đảm bảo và thiếu đầu tư thức ăn dẫn đến hiệu quả thấp. Dù đã được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nhưng một bộ phận người nghèo chưa mạnh dạn áp dụng vào thực tế”, ông Ta cho biết.
Phương hướng mới cho chặng đường mới
Hiện nay, huyện Tây Giang đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với chương trình xây dựng NTM.
Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tây Giang cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của huyện là không để xã nào bị bỏ lại phía sau, không để người dân nào bị đứng bên lề trong tiến trình phát triển. Cụ thể, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM để tự giác thực hiện. Làm tốt việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư gắn với ổn định phát triển sản xuất bền vững. Từng bước xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu theo phương châm “xanh, sạch, đẹp, an toàn”, trở thành những “làng quê đáng sống”, đó mới là đích đến của NTM”.
Sản phẩm cao đẳng sâm Tây Giang (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, huyện Tây Giang cũng đặt mục tiêu giữ vững các tiêu chí đã đạt, không để “rớt” tiêu chí đối với 2 xã đã đạt chuẩn NTM. Đồng thời, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng NTM, ưu tiên phát triển các thế mạnh về cây dược liệu (đẳng sâm, ba kích...), cây cam bản địa, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, huyện cũng chú trọng thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM; xác định xây dựng NTM phải đi đôi với công tác bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới...
Năm 2019, Tây Giang đề ra mục tiêu đưa 5 sản phẩm của 3 chủ thể đạt chuẩn OCOP. Trong đó, HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang đăng ký 2 sản phẩm gồm rượu đẳng sâm và cao đẳng sâm; Cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Chính Châu đầu tư cho sản phẩm rượu ba kích, đồng thời tham gia cùng với HTX Nông dược xanh Tây Giang xây dựng 2 sản phẩm trà đẳng sâm túi lọc và măng điền trúc sấy khô.
Theo đó, sản phẩm trà đẳng sâm túi lọc, măng điền trúc sấy khô của HTX Nông dược xanh Tây Giang đã đạt chuẩn 3 sao, tiếp tục đăng ký tham dự chương trình OCOP cấp tỉnh.
Đại diện HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang cho biết, HTX đã và đang liên kết với 100 hộ dân thuộc HTX Nông nghiệp Ch’Ơm, HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang trồng cây đẳng sâm nguyên liệu trên khu vực có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển tạo nguyên liệu ổn định nhằm phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý bản địa.
Thời gian tới, huyện Tây Giang sẽ tiếp tục có các chính sách thu hút để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực ngành y tế, giáo dục; tăng cường hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, huyện mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ các chế độ an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đã đạt chuẩn NTM thuộc khu vực 1 miền núi tại Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để các xã này có điều kiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM được bền vững...
Nhật Nam