Thôn Châu Lâm được ví như “Làng nấm” khi toàn xã có đến 71 hộ làm nấm. Nông dân trước đây chủ yếu sản xuất lúa, sắn là chính nhưng đã quyết định chuyển sang nghề “tay phải” là trồng nấm. Qua từng ngõ xóm, đường làng, hai bên đường thoáng nhìn đâu đó, gần xa cũng nhấp nhô những trại nấm lợp bằng tấm bạc ni lông màu xanh đậm.
Cuộc sống ấm no từ nghề trồng nấm
Anh Lê Văn Bảy (tổ 18), một hộ dân chuyên trồng nấm của thôn cho biết: “Gia đình tôi đã bén duyên với nghề trồng nấm hơn bảy năm nay, nói thật là nhà tôi lâu nay khấm khá lên cũng từ nghề này”.
Gia đình anh Lê Văn Bảy thoát nghèo từ nghề trồng nấm rơm (Ảnh: TL) |
Cũng theo anh Bảy, với quy mô làm nấm của gia đình anh hiện ở mức không lớn lắm, trung bình mỗi tháng 2 đợt (vụ) số lượng 2.000 bánh rơm và sản lượng nấm thu hoạch được từ 1 – 1,4 tạ với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg thì sau khi trừ xong chi phí nguyên liệu, phối giống, nhân công… còn lãi khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Thời gian thu hoạch nấm ở đây thường vào 01h00 khuya, sau đó ngay trong đêm vận chuyển đến bán tại các chợ đầu mối chuyên thu mua ở Nam Phước, Đà Nẵng… Nghề làm nấm tuy có phần vất vả song nhờ nguồn thu nhập từ nấm kha khá nên đã dần thu hút nhiều gia đình hội viên nông dân tham gia và gắn bó với nghề.
Anh Bảy phấn khởi: “Ở làng Châu Lâm này đất đai điều kiện làm ăn khó khăn nên trước đây nhiều người bỏ nhà đi “tha phương cầu thực”. Vậy mà, từ khi nghề trồng nấm phát triển đem lại kinh tế họ lại quay về mảnh đất quê hương để làm ăn, sinh sống, gắn bó với nghề này”.
Cũng chính nhờ thu nhập từ nghề trồng nấm mà anh Bảy cũng đã thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, mua một xe bán tải, sắm sửa phương tiện trong gia đình… giá trị hàng trăm triệu đồng.
Hay như chia sẻ của một số hộ nông dân trồng nấm khác như anh Phạm Thăng, Nguyễn Đức An, Lê Viết Xuân… cũng đều khẳng định thôn Châu Lâm khá lên, một số hộ thoát nghèo nhanh từ nghề trồng nấm này. Có thể nói, nghề trồng nấm nơi đây như một luồng gió mới vực dậy làng quê nghèo bao năm nay.
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh mặt thuận lợi, thu nhập cao của nghề trồng nấm, hiện nay người dân cũng đối mặt với nhiều khó khăn như giá nguyên liệu là rơm lên quá cao. Với giá một ha vận chuyển về tận nhà đã lên đến 8 triệu đồng, gấp hai, ba lần trước đây, nguyên do phải mua tận Duy Xuyên, Quế Sơn…
Mô hình trồng nấm đã mang lại cuộc sống mới cho người dân thôn Châu Lâm (Ảnh: TL) |
Thêm vào đó, tiền thuê người làm ngày công tăng cao (đàn ông 250.000 đồng/ngày, phụ nữ 200.000 đồng/ngày) và sâu lạ xuất hiện phá hoại bào tử nấm… nên đã ảnh hưởng không ít đến nghề này.
“Mình phải hết sức chịu cực, chịu khó, cần cù, chăm chỉ và phải biết tính toán thật kỹ lưỡng từng tí thì mới có lời được”, anh Bảy chia sẻ thêm.
Còn anh Nguyễn Đăng Khoa nói: “Với gia đình tôi, trước đây cũng thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh túng quẫn do ruộng đất không có bao nhiêu, song tôi nghĩ chẳng lẽ khỏe mạnh thế này mà lại đành “bó tay” cam chịu cảnh “cái nghèo đeo lấy cái khổ” mãi sao được”.
Từ suy nghĩ, trăn trở trên, anh đã mày mò tìm hiểu nhiều nguồn thông tin từ báo, đài, internet… và quyết định vay mượn tiền, cất công lặn lội ra tận Huế để học nghề rồi trở thành người “tiên phong” đem “nghề nấm” về làng Châu Lâm này.
Anh cho biết thêm, hiện nay hộ nông dân ở đây chuyển đổi sang nghề trồng nấm tăng nhanh, quy mô ngày càng mở rộng nên giá nguyên liệu, nhân công cũng tăng theo làm ảnh hưởng đến nghề này, do đó gia đình anh đang dự tính sẽ từng bước giảm bớt quy mô để học làm một số nghề mới nhằm tăng thu nhập.
Hiện nay, riêng nghề trồng nấm anh đầu tư tiền mua rơm khoảng 94 triệu đồng/năm và thu nhập ròng trung bình khoảng 100 triệu đồng/năm. Tuy còn tồn tại một số khó khăn nhất định nhưng anh Khoa và mọi người dân nơi đây vẫn cho rằng hầu hết bà con thoát được nghèo, xây dựng được nhà cửa đàng hoàng, mua sắn được phương tiện máy móc có giá trị và vươn lên khá, giàu là nhờ nghề trồng nấm đem lại.
“Dù gặp phải khó khăn, gia đình có sản xuất ít lại so với trước đây, nhưng tôi phải nói thật là cho dù thế nào đi chăng nữa, gia đình tôi vẫn không bao giờ bỏ nghề trồng nấm rơm này được”, chị Phạm Thị Thu, vợ của anh Khoa khẳng định.
Để giải quyết một số khó khăn còn tồn tại, Hội nông dân xã Bình Trị đã thành lập THT trồng nấm thôn Châu Lâm nhằm hướng dẫn tổ chức sản xuất của các hộ gia đình thành viên nông dân nhất là việc liên kết sản xuất, kinh doanh, bao tiêu sản phẩm để đảm bảo giá cả ổn định nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất.
"Việc thành lập THT trồng nấm rơm ở Châu Lâm là hướng đi đúng, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế xã hội ở nông thôn hiện nay. Trước hết giải quyết được số lao động “nông nhàn” dôi dư sau từng mùa vụ, vừa giảm được số con em ly hương, làm ăn xa sẵn sàng ở lại góp sức làm giàu bằng chính công sức, nhiệt huyết của mình trên mảnh đất này", lãnh đạo xã Bình Trị nhận xét.
Ngọc Giang