Đề án phát triển chăn nuôi bò sinh sản được triển khai trên địa bàn xã Tân Tiến từ năm 2011, nhận được nhiều sự hỗ trợ thiết thực từ chính quyền, cùng sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác. Đến nay, mô hình dần được nhân rộng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hướng đi hiệu quả
Là một trong những người đầu tiên được hỗ trợ bò giống, anh Nguyễn Văn Thẫn, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi thôn Hiệp Tín hiện đang có đàn bò giống và bò thịt trị giá hơn 100 triệu đồng.
Mô hình nuôi bò sinh sản mở hướng đi mới cho nhiều hộ dân xã Tân Tiến (Ảnh TL). |
Anh Thẫn cho biết, vào năm 2017, trong hoàn cảnh gần như bế tắc, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, anh được xã hỗ trợ mua 1 con bò sinh sản, mở ra một hướng đi mới mang tính bước ngoặt cho gia đình.
Cùng với hỗ trợ bò giống, anh Thẫn được địa phương và Tổ hợp tác tập huấn kỹ thuật, nắm chắc quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Cụ thể, để bò tăng trưởng ổn định, anh Thẫn được hỗ trợ chi phí kiên cố hóa chuồng nuôi, xây dựng khu xử lý chất thải hợp vệ sinh. Nguồn phân bò được tập trung, xử lý vi sinh thành phân hoai mục, phục vụ trồng trọt, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm thiểu ô nhiễm.
“Nhờ chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ, thân thiện môi trường, sau hơn 4 năm, tôi đang có đàn bò 5 con, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Từ một người gần như tay trắng, gia đình tôi hiện đã thoát nghèo, có nhiều động lực để vươn lên”, anh Thẫn phấn khởi nói.
Đặc biệt, nhờ có đàn bò tiền triệu, anh Thẫn tự tin để vay vốn, đầu tư xây dựng gần 300 trụ thanh long tại vườn nhà. Giống như chăn nuôi, mô hình trồng trọt cũng được gia đình anh triển khai theo hướng hữu cơ, loại bỏ hóa chất độc hại, ưu tiên phân chuồng hoai mục, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường.
Gia đình anh Thẫn là một trong 21 hộ nghèo trên địa bàn xã Tân Tiến được hỗ trợ từ Đề án nuôi bò sinh sản. Hiệu quả của mô hình đã giúp phần lớn các hộ có động lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Tiếp tục phát huy
Đại diện UBND xã Tân Tiến cho hay, từ năm 2011, với 400 triệu đồng của nguồn vốn nông thôn mới, xã đã mua và cấp 36 bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn, với giá bò giống khởi điểm 15 - 18 triệu đồng/con.
Xã sẽ phát huy vai trò của HTX, tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả mô hình (Ảnh TL). |
Nguồn vốn đối ứng mỗi hộ cần góp đối với hộ nghèo là 1 triệu đồng, hộ cận nghèo 2 triệu đồng và hộ khó khăn là 3 triệu đồng. Mỗi hộ được cấp bò sẽ được địa phương hỗ trợ về kỹ thuật, sau đó trao lại 1 bò con để xã tiếp tục hỗ trợ các hộ khó khăn khác.
Tính đến nay, xã đã cấp tổng cộng 64 con bò cho các hộ khó khăn, góp phần tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho gần 30 hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của mô hình, xã sẽ khuyến khích các hộ được nhận bò tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, cập nhật kỹ thuật mới để ứng dụng hiệu quả vào quá trình chăn nuôi.
Xã cũng sẽ phối hợp với các ban ngành chức năng, các HTX, tổ hợp tác tăng cường tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình chăn nuô bò theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường, tạo nên những giá trị bền vững.
Hưng Nguyên