Chỉ sau gần 3 năm được đẩy mạnh hỗ trợ, mô hình chăn nuôi dê theo hướng hữu cơ, an toàn sinh thái trên địa bàn xã Mỹ Phước đã cho thấy rất nhiều triển vọng, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Mô hình còn cho thấy ưu điểm vượt trội trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Điểm tựa từ chính sách hỗ trợ
Xã Mỹ Phước có diện tích tự nhiên hơn 4.300ha, dân số hơn 1.300 hộ, với gần 4.800 khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
Mô hình nuôi dê đang cho thấy tiềm năng nhân rộng ở Mỹ Phước (Ảnh TL). |
Trước áp lực của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nhu cầu tìm kiếm việc làm của nông dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở địa phương là việc làm cần thiết, được xã đặc biệt quan tâm.
Năm 2018, được sự hỗ trợ của ban ngành các cấp, xã đã đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nông dân trên địa bàn phát triển mô hình chăn nuôi dê theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường.
Gia đình chị Lê Thị Nhung, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi ấp Phước Tân, là một trong những hộ đầu tiên hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của địa phương. Từ số tiền 20 triệu đồng vốn vay, chị tiến hành làm chuồng, mua 2 con dê cái, 3 con dê tơ, 1 con dê đực về nuôi.
Hệ thống chuồng chăn nuôi dê được chị Nhung làm bằng khung sườn cây, sàn lót gỗ, mái lợp tôn, có mùng tránh muỗi được đặt ở vị trí thoáng mát phía sau nhà.
Trong quá trình chăn nuôi, các loại cám tăng trọng được chị Nhung loại bỏ, thay bằng cám hữu cơ được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện môi trường như lá cây, cỏ, cám gạo, ngô…
Chị Nhung cũng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chăn nuôi an toàn sinh thái từ khâu vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi, đến việc xử lý chất thải, tiêm phòng bệnh… tạo không gian thuận lợi cho đàn dê phát triển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với sự đồng hành của địa phương, Tổ hợp tác, cùng việc làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh mà đàn dê của chị Nhung phát triển nhanh, mỗi lứa đẻ từ 2 - 3 con, dê con sinh trưởng trung bình 6 - 7 tháng đạt trọng lượng từ 40 - 45 kg/con, bán với giá từ 120.000 đồng/kg.
Cần thêm các nguồn lực
Cùng là thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi ấp Phước Tân, năm 2019, ông Nguyễn Văn Xiu dùng 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi để đầu tư chuồng trại và mua 5 con dê cái về nuôi.
Nuôi dê hữu cơ cho giá trị kép về kinh tế và môi trường (Ảnh TL). |
Ông Xiu cho biết, con dê là động vật nhai lại, ăn tạp nên thức ăn của chúng rất đơn giản là các loại lá cây, củ, quả tự nhiên như chuối, mít, khoai lang, cỏ voi, cỏ bụi... Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, quan trọng nhất là nắm chắc quy trình chăm sóc và đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái cho dê phát triển ổn định, tăng cân nhanh, ít bệnh.
Trong hơn 2 năm qua, nhờ chăn nuôi khoa học, mô hình nuôi dê hữu cơ của gia đình ông Xiu cho thu nhập hơn 35 triệu đồng/năm. Hiện, ông đã trả hết khoản vay, có vốn đầu tư mở rộng chuồng nuôi, dự kiến sẽ nâng lên 10 dê cái vào cuối năm 2021.
Những kết quả từ thực tế cho thấy mô hình nuôi dê hữu cơ đang có tiềm năng lớn để nhân rộng trên địa bàn xã Mỹ Phước. Theo đó, trong thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hộ đầu tư mở rộng chuồng nuôi, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh thái, thân thiện môi trường.
Xã cũng sẽ tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xây dựng thương hiệu thịt dê hữu cơ của địa phương, mở hướng đi bền vững về sau.
Nhật Minh