Ông Trần Duy Thuận - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết nếu không cơ giới hóa, sản xuất tập trung và đầu tư cho khoa học kỹ thuật (KH-KT), việc tăng thu nhập cho thành viên rất khó. Chính vì vậy, con đường mà HTX buộc phải vươn lên là đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao.
Con đường đến với công nghệ cao
Dù địa bàn sản xuất bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tình trạng nhiễm mặn, phèn xảy ra nhưng 80 ha chanh Vica - chanh không hạt của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa vẫn xanh tốt, cho hiệu quả kinh tế cao nhờ chủ động ứng phó với hạn mặn bằng việc đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt điều khiển bằng điện thoại thông minh và áp dụng kỹ thuật sản xuất chanh VietGAP.
Các thành viên HTX đã nhận thấy rõ hiệu quả sản xuất, đặc biệt lợi nhuận thu được khi ứng dụng KH-KT vào sản xuất. Không chỉ tiết kiệm công lao động mà năng suất chanh không hạt đã tăng gấp 5 lần so với những diện tích không áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Bên cạnh đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học cũng giảm. HTX lại dễ dàng áp dụng những kỹ thật mới để cho quả chanh to, tròn đều ra quanh năm.
Ông Lê Thanh Lưu - thành viên HTX, so sánh trước kia, mỗi lần tưới chanh trên diện tích 5 công đất, ông phải mất nửa ngày, 2 công lao động và 5 lít dầu. Nay chỉ cần bấm điện thoại, 1 giờ sau là tưới xong. Hệ thống phun tưới tự động này cũng giúp người dân chủ động trong sản xuất, nhất là dễ xử lý, tưới rửa cây trong những ngày có sương muối.
Nếu như trước đây, các hộ chủ yếu trồng chanh nhỏ lẻ, lại gặp hạn mặn kéo dài nên tình trạng thiếu nước xảy ra liên tục. Chanh bị cắt nước tưới nên sâu bệnh tấn công nhưng người dân không dám dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, bởi nếu dùng thuốc thì không có nước tưới phun xả, cây dễ chết.
Từ thực tế trên, ngay từ khi đi vào sản xuất chanh hàng hóa, các thành viên HTX đã không ít lần ngồi lại với nhau để có cái nhìn đúng đắn cũng như sự chuẩn bị chu đáo hơn cho quá trình sản xuất.
Do thời tiết khắc nghiệt, năm nào, HTX cũng chủ động chuẩn bị cho quá trình sản xuất bằng các giải pháp như: Tích cực tích trữ nguồn nước ngọt trong ao hồ, mương kênh; ủ kín gốc chanh; bón phân hữu cơ như tro, xơ dừa; cắt tỉa cành… để tiết kiệm nước.
Ngoài ra, trước khi vào vụ hạn một tháng, HTX tiến hành đo độ mặn bằng dụng cụ chuẩn, tránh lấy nước bị nhiễm phèn, mặn tưới cho cây. Nếu không làm tốt công đoạn này, cả diện tích chanh của HTX đều bị chết do nhiễm phèn, mặn. Nguy hại hơn là đất bị nhiễm mặn mà không có cách nào để rửa mặn.
HTX góp phần tích cực bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống thành viên nhờ cây chanh không hạt |
Yên tâm sản xuất
Nhờ những nỗ lực trong sản xuất và tìm đầu ra cho quả chanh không hạt, HTX đã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị. Thuận lợi lớn của HTX là được đội ngũ kỹ sư từ doanh nghiệp thu mua theo dõi, nắm được diễn biến thời tiết, dịch bệnh trên cây chanh để kịp thời xử lý.
HTX được doanh nghiệp đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp theo hướng canh tác an toàn, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá hợp lý, cao hơn thị trường. Vì vậy, các thành viên và nông dân không bị thương lái ép giá, an tâm đầu tư sản xuất.
Thông qua tuyên truyền, vận động và tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KH-KT, các thành viên đều đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất. 100% thành viên sử dụng các loại phân hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường để bón cho diện tích chanh không hạt.
Đối với phân gà, heo, bò, HTX đều tiến hành ủ hoai mục theo hướng dẫn của kỹ sư rồi mới bón cho cây. “Nếu bón phân tươi trực tiếp, đây chính là nguyên nhân khiến môi trường bị ô nhiễm, lây lan mầm bệnh cho cây trồng và ảnh hưởng sức khỏe con người”, Giám đốc Trần Duy Thuận nói.
Qua thực hiện các dịch vụ và ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, hoạt động sản xuất của HTX đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống thành viên, đưa cây chanh không hạt thành cây trồng chủ lực, thích ứng với điều kiện khí hậu thất thường tại địa phương.
Huyền Trang