Trước thực trạng giá chăn nuôi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bấp bênh khi lên cao khi xuống thấp, từ tháng 8/2017, HTX Tiến Thành (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã triển khai thực hiện mô hình liên kết phát triển theo chuỗi chăn nuôi trâu, bò thịt, lợn sạch an toàn sinh học.
Tự thoát trở lực
Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, HTX đã cam kết chính sách cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Con giống trâu, bò được giao nhận thông qua cân điện tử bảo đảm độ chính xác cao.
HTX cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi theo công nghệ khép kín, có hệ thống làm mát bảo đảm nhiệt độ trong chuồng.
Thức ăn chăn nuôi đầu vào cho các thành viên được HTX cung cấp với mô hình "cùng vào cùng ra", sử dụng nguồn thức ăn thô xanh sẵn có tại địa phương như cỏ voi, ngọn lá mía (cho ăn tươi, ủ chua dự trữ) hoặc thức ăn tinh ủ chua lên men như củ sắn tươi, thân, bắp cây ngô chín sáp, cám ngô, cám xát, vỏ đỗ xanh...
Ngoài ra, HTX kết hợp với sử dụng cám thảo dược sinh học để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, bảo đảm sản phẩm an toàn.
Cùng với đó, các cán bộ thú y cũng được HTX mời về để hỗ trợ, hướng dẫn thành viên trong việc theo dõi, đánh giá vật nuôi từ khi bắt đầu nuôi đến khi xuất bán.
Toàn bộ sản phẩm trâu, bò sau thời gian chăn nuôi vỗ béo đều được HTX bao tiêu đầu ra. Tính đến cuối năm 2018 vừa qua, HTX Tiến Thành đã cung ứng trên 1.000 con trâu thịt, bò thịt nuôi vỗ béo cho các xã thuộc huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn và Trại giam Quyết Tiến. Trung bình, mỗi con trâu lãi hơn 5 triệu đồng/con, bò thịt vỗ béo lãi bình quân 4,8 triệu đồng/con.
HTX Tiến Thành và đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi Lebio Hà Nội đã tổ chức mổ bán theo dạng triển lãm đến người tiêu dùng tại Tp.Tuyên Quang. Do lợn được nuôi bằng cám thảo dược sinh học, nên chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Hiện các hộ tham gia đã tiêu thụ hết đàn lợn chăn nuôi trong chuỗi, với giá bán thấp nhất 32.000 đồng/kg lợn hơi, cao hơn giá thị trường cùng thời điểm.
HTX Tiến Thành bàn giao đàn trâu, bò cho HTX Tiến Quang |
Liên kết phát triển
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình mang lại, nhiều HTX, tổ hợp tác, hộ dân đã triển khai thực hiện. Ông Lê Văn Thứ - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang (xã Vinh Quang, Chiêm Hóa) cho biết, HTX Tiến Quang đã liên kết với HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành xây dựng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo với 26 hộ tham gia.
HTX Tiến Quang đã xuất bán 6 lứa với 197 con trâu thịt, 10 con bò, trừ chi phí thu lãi bình quân 1 con trâu từ 3 đến 7 triệu đồng, 1 con bò từ 2 đến 5 triệu đồng.
Hiện HTX đang tiếp tục nuôi lứa tiếp theo với 240 con trâu và 40 con bò. Sau thời gian thực hiện mô hình, nhiều hộ nghèo đã từ đó vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá trong xã, như: Hộ ông Bùi Văn Vượng, bà Đinh Thị Thu...
Đến nay, HTX Tiến Thành đã liên kết với 10 HTX chăn nuôi gần 200 con trâu bò.
Theo ông Hoàng Văn Oanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành, việc phát triển ứng dụng công nghệ cao nhằm ứng dụng kịp thời khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh trên địa bàn. Từ đó, đảm bảo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hiện việc ứng dụng này mới chỉ ở mức thử nghiệm. Một phần do số lượng trâu, bò, lợn nuôi vỗ béo cung ứng theo hợp đồng cho các HTX, tổ hợp tác ít, lại nuôi dàn trải tại nhiều hộ dân.
Với những kết quả trên, HTX sẽ tập trung đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại và hướng dẫn thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh để đàn vật nuôi đạt chất lượng tốt nhất; tăng cường giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức bao tiêu toàn bộ sản phẩm để các thành viên yên tâm sản xuất.
Hồng Nhung