Theo Anh Bùi Đức Tuyển, khoảng 5 năm trở lại đây, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, không ít hộ đã chuyển hướng sang chăn nuôi gia súc, gia cầm vì hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là khi nhà nhà đều chăn nuôi nhưng lại không chú trọng đến xử lý chất thải thì sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mới chỉ xử lý phần ngọn
Năm 2016, anh Tuyển đã kêu gọi mọi người cùng tham gia HTX để hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, đầu ra, từ đó chung tay giải quyết những bất cập về chất thải chăn nuôi.
Từ 300 con lợn thịt và 30 lợn giống ban đầu, quy mô của HTX đã dần mở rộng gấp đôi. Với số lượng lợn nuôi lớn, HTX đã dùng phân để nuôi giun quế, còn giun quế được nghiền ra làm thức ăn cho cá và cho lợn. Tuy nhiên, cách làm này mất rất nhiều thời gian, công sức và không thể xử lý được lượng chất thải khổng lồ từ khu chuồng trại.
Các thành viên sau nhiều lần đi thực tế đã quyết định xây dựng thêm khu tập kết, phơi ủ phân compost bằng chế phẩm sinh học để bón phân cho 500 gốc mít, 100 gốc sim của HTX.
Tuy nhiên, quy mô đàn ngày càng tăng, cộng với lượng nước thải chưa được giải quyết đã gây mùi hôi thối cực kì khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất bởi những biện pháp HTX đang áp dụng mới chỉ xử lý được nguồn chất thải rắn. Đây cũng chính là lỗ hổng để virus dịch tấn công đàn lợn.
Cuối năm 2017, HTX đã có ý định xây dựng hầm biogas khoảng 60 m3 để xử lý chất thải chăn nuôi. Nước thải sau khi chảy về hầm biogas sẽ được tích tụ lại bằng hệ thống bể chứa khoảng 50 m3 để tưới cho cây trồng. Đối với nguồn khí sinh ra từ hầm biogas, HTX có thể dùng để chạy máy phát điện 3 pha phục vụ hoạt động của trại nuôi lợn.
Tuy nhiên, do khó khăn về vốn và đầu ra, kế hoạch xây dựng hầm biogas của HTX đã bị dừng lại. Khó khăn về xử lý chất thải vẫn khiến các thành viên đau đầu.
Sau nhiều lần đi thực tế, tham gia các buổi hội thảo và nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, chính quyền địa phương, cuối năm 2018, HTX đã áp dụng công nghệ xử lý chất thải khép kín với tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, gồm máy ép phân, bể chứa nhiều ngăn phục vụ cho quá trình ép và máy phát điện sinh học.
Mô hình nuôi lợn rừng thả tự nhiên của HTX |
Tận thu mọi giá trị
Để hệ thống xử lý chất thải này hiệu quả, HTX đã xây dựng thêm một khu nhà vận hành và hệ thống hầm biogas xử lý nước thải.
Tất cả chất thải của khu trang trại đều được đưa về bể lắng. Khi máy ép hút chất thải về sẽ tiến hành tách, ép thành nước và phân hữu cơ riêng biệt. Phân hữu cơ được hình thành dưới dạng mùn tơi và khô, còn nước thải được chảy vào đường ống dẫn tới hầm biogas để xử lý thành khí để phát điện.
Nếu như trước kia, cứ cuối ngày, HTX dùng cào cào phân để đưa ra khu vực tập trung còn nước dọn chuồng bị quá tải chảy tràn khỏi đường ống ra khu vực khác gây ô nhiễm môi trường và bốc mùi khó chịu tốn nhiều sức lao động, thì nay đã được giải quyết triệt để bằng hệ thống xử lý chất thải hiện đại.
Mỗi ngày, HTX vận hành hệ thống xử lý chất thải một lần nhằm giải quyết triệt để lượng chất thải của đàn lợn. Phân hữu cơ khô sẽ được HTX đóng vào các bao 25 kg. Phân hiện được dùng phục vụ hơn 50 ha rau màu theo chuẩn VietGAP của HTX và bán cho người dân khi có nhu cầu, với giá 8 nghìn đồng/kg.
Hiện nay, HTX đã tăng quy mô lên trên dưới 1.000 con lợn. Khu chuồng nuôi được thiết kế thoáng, sạch sẽ và có hệ thống vòi tắm tự động rất tiện dụng.
Trung bình mỗi ngày, khu vực chăn nuôi của HTX thải ra khoảng 400 - 600 kg chất thải. Sau khi xử lý, HTX thu được khoảng 120 - 170 kg phân hữu cơ.
Theo Ban giám đốc HTX, hiện nhu cầu phân hữu cơ để phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch rất lớn nên nhiều lúc HTX không đủ phân bán. Tuy nhiên, đó cũng là tín hiệu mừng để HTX mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập cho thành viên và người lao động.
Nhờ áp dụng công nghệ mới, HTX không chỉ bảo đảm được môi trường sạch, tránh được các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi, mà còn tạo thêm được nguồn thu từ điện và bán phân cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Huyền Trang