Khác với cà phê chế biến ướt hoàn toàn là loại bỏ hết lớp nhớt trên bề mặt hạt cà phê thóc, phương pháp chế biến cà phê mật ong thường để lại một phần hoặc toàn bộ lớp nhớt trên bề mặt hạt trong quá trình làm khô. Vì vậy, màu sắc của lớp vỏ thóc sau khi khô có màu gần với màu cà phê chế biến ướt hoàn toàn đến màu nâu đậm. Các loại màu cà phê này chính là nguồn gốc của tên gọi sản phẩm cà phê mật ong, nghĩa là có màu sắc tương tự màu của mật ong.
Hiệu quả kinh tế
Sau thành công với sáng chế máy bóc tách vỏ cà phê liên hoàn, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX và các thành viên tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp chế biến cà phê mật ong. Hiện nay, phương pháp chế biến cà phê mật ong trở thành xu hướng được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, nhiều cơ sở chế biến cà phê tại Lâm Đồng đã áp dụng và đạt hiệu quả tích cực.
Trong một chuyến thăm vùng chuyên canh cà phê ở tỉnh Lâm Đồng, ông Thao được tiếp cận quy trình chế biến cà phê mật ong. Để bảo đảm chắc chắn cho thành công, ông đã liên hệ mời các chuyên gia từ Đức và Mỹ sang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho HTX.
Ông Thao cho biết để thực hiện phương pháp chế biến cà phê mật ong, các chuyên gia đã thử nghiệm trên 50 mẫu cà phê thu hái từ các vùng chuyên canh ở Mai Sơn, Thuận Châu và Tp.Sơn La, rồi chọn 12 mẫu để sản xuất.
Cùng với đó, HTX đầu tư xây dựng nhà kính rộng 200 m2, chế biến 3,6 tấn cà phê nhân, xuất khẩu 2 tấn sang Trung Quốc; số còn lại cung cấp cho các cơ sở rang xay trong nước và gửi cho các đối tác ở thị trường Đức, Mỹ để chào hàng, giới thiệu sản phẩm. Phản hồi từ phía bạn hàng rất tích cực, nhiều đơn hàng đã gửi đến HTX, số lượng lên tới hàng chục tấn.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế, ông Thao cho biết tiền đầu tư làm nhà kính rộng 200 m2 hết khoảng 200 triệu đồng, khi chế biến, mỗi mẻ được 1,1 tấn cà phê nhân. Như vậy, phương pháp này đòi hỏi khá nhiều diện tích, nhân công dành cho phơi khô tự nhiên cũng khá lớn. Tuy nhiên, các chi phí bổ sung sẽ được đền đáp xứng đáng khi có sản phẩm cà phê sạch, ngọt ngào, thơm đậm, giá trị cao.
Nếu cà phê nhân chế biến theo phương pháp thông thường chỉ bán được 40 triệu đồng/ tấn thì cà phê mật ong có giá 85 triệu đồng/ tấn. HTX đang thu mua quả cà phê chín tươi của thành viên với giá 9.000 đồng/kg để chế biến theo phương pháp mật ong, cao hơn 3.000 đồng/kg so với cách thu hái thông thường.
Chế biến cà phê mật ong không sử dụng nước và các hóa chất độc hại |
Bảo đảm an toàn lao động
Ưu điểm nổi bật của phương pháp chế biến cà phê mật ong là bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cho người sản xuất và rất thân thiện với môi trường. Quá trình chế biến không sử dụng nước và các hóa chất độc hại. So với phương pháp chế biến ướt, lượng nước tiết kiệm được khoảng 2.000 lít cho mỗi bao cà phê nhân xuất khẩu nặng 60 kg.
Đối với người lao động sản xuất trong khu chế biến, HTX yêu cầu giữ vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Tất cả các công đoạn chế biến đều có nội quy chung của HTX, các thao tác trên máy phải được ghi lại chi tiết, trình tự thao tác nào trước, thao tác nào sau.
Khu chế biến đều phải có đầy đủ phòng hộ lao động, tủ thuốc cấp cứu để bảo đảm ATLĐ. Những lao động trong khu chế biến, tùy theo tính chất từng bộ phận mà trang bị phòng hộ đầy đủ, bảo đảm sức khỏe con người và vệ sinh sản phẩm. Cần thi hành triệt để quy tắc ATLĐ, nghiêm túc các chế độ bảo hộ, bảo hiểm của nhà nước đã ban hành theo hệ công nghiệp.
Các chuyên gia đánh giá phương pháp chế biến cà phê mật ong dễ dàng áp dụng ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc vận chuyển về nơi chế biến khó khăn. Ngoài ra, lợi ích quan trọng khác của quy trình chế biến cà phê mật ong là yếu tố kinh tế, chi phí đầu tư chỉ là một máy xát vỏ duy nhất, thấp hơn hẳn so với đầu tư một dây chuyền chế biến ướt. Hơn nữa, việc sử dụng giàn phơi cũng giúp tiết kiệm lượng điện lớn và nhiên liệu để sấy khô. Tới thời điểm hiện tại, đây là phương pháp chế biến cà phê nhân ATLĐ và thân thiện với môi trường nhất.
Hà Xuyên