Năm 2005, sau thời gian đi làm ăn ở trong Nam, vợ chồng anh Thảo quyết định trở về quê lập nghiệp. Nhận thấy ven đê thôn Bãi Trữ có nguồn cỏ dồi dào, có thể tận dụng để phát triển chăn nuôi, anh mạnh dạn đấu thầu hơn 4.000 m2 đất, cải tạo, xây dựng chuồng trại và đầu tư vào chăn nuôi dê.
Chăn nuôi theo hướng an toàn
Lúc đầu, anh Thảo nuôi 8 cặp dê, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên dê bị bệnh chết đến quá nửa. Không nản chí, anh lại “khăn gói quả mướp” đi khắp nơi để học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, tìm hiểu qua sách báo, đồng thời tham gia các lớp tập huấn nuôi dê theo hướng an toàn. Đến nay, đàn dê của gia đình anh Thảo có trên 100 con bao, gồm dê Bách Thảo, dê thịt, dê sữa…
Anh Thảo cho biết muốn chăn nuôi theo hướng an toàn, việc lựa chọn con giống đảm bảo là rất quan trọng, bên cạnh đó 3 tháng 1 lần phải tiêm vắc xin định kỳ.
Cũng theo anh Thảo, dê là loài động vật không ưa độ ẩm cao, nên chuồng trại phải sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Chuồng được anh lát gạch đỏ, vệ sinh hàng ngày. Dưới mỗi chuồng anh còn đầu tư làm hệ thống bể lắng, vừa để tận dụng chất thải của dê làm phân bón, vừa bảo đảm yếu tố môi trường.
Để có thức ăn sạch cho đàn dê, ngoài việc chăn thả, anh Thảo còn đầu tư hơn 7.000 m2 đất trồng cỏ voi. Vì thế, chất lượng thịt, sữa dê của gia đình anh luôn thơm ngon.
“Quê mình chủ yếu là núi đá nên rất thích hợp nuôi dê. So với việc chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò thì dê cho thu nhập cao hơn, bởi dê đẻ nhanh, giá cả cũng khá cao”, anh Thảo chia sẻ.
Mỗi tháng, trang trại của anh cung cấp ra thị trường 100 kg dê thịt, 300 lít sữa. Với giá 150.000 đồng/kg thịt hơi và 80.000 đồng/lít sữa dê, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi trên 200 triệu đồng.
Cuối năm 2016, anh Thảo đã lên ý tưởng và đứng ra vận động một số anh em, bạn bè tại địa phương và ở các huyện Yên Mô, Gia Viễn cùng nuôi dê, đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng nhà lạnh, thành lập HTX Chăn nuôi dê Ninh Bình với 18 thành viên có tổng đàn dê trên 2.000 con do anh làm giám đốc.
Giám đốc Bùi Văn Thảo kiểm tra chuồng dê của HTX |
Liên kết hộ chăn nuôi
HTX đã đề ra quy chế hoạt động, trong đó chú trọng nhất là con giống, kỹ thuật nuôi, liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Sản phẩm của thành viên khi xuất chuồng đều phải mang đến khu nhà giết mổ của HTX tiến hành mổ thịt, đóng gói, gắn nhãn mác trước khi đến tay người tiêu dùng.
Các thành viên trong HTX đã chủ động liên kết, trợ giúp nhau nguồn vốn, hỗ trợ con giống, kinh nghiệm nhân đàn và ghép đàn. Hiện tổng đàn dê của các hộ trong HTX là hơn 3.000 con, chủ yếu là giống dê bo và dê Bách Thảo.
Kỹ thuật chăn nuôi dê ở HTX khá đơn giản, nhưng đòi hỏi các hộ phải rất cẩn trọng đối với các vấn đề liên quan đến dịch bệnh. HTX luôn sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ các thành viên về kỹ thuật, về việc sử dụng thuốc thú y…
Ngoài ra, chất lượng dê núi thương phẩm của HTX còn được bảo đảm nhờ việc quản lý chặt chẽ, các khâu mua, xuất bán đều có sự bàn bạc và thống nhất của các thành viên, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm, do vậy đầu ra khá ổn định, góp phần khẳng định thương hiệu đặc sản dê núi Ninh Bình.
HTX đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở các tỉnh, cũng như tìm được địa chỉ tiêu thụ thường xuyên ở ngay trên địa bàn Ninh Bình. Đặc biệt, cùng với việc tiêu thụ sản phẩm ở chuỗi cửa hàng nông sản sạch theo kênh của Hội Nông dân, hiện HTX cũng đã chủ động mở được cửa hàng của riêng mình. Ước tính, HTX thu khoảng hơn 800 triệu đồng tiền lãi/năm.
Năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Ninh Bình cấp giấy chứng nhận HTX là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. HTX cũng được Tổng hội NN&PTNT Việt Nam trao giải thưởng “Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam 2017”. Đây sẽ là tiền đề để HTX có thể tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô hơn nữa.
Hà Xuyên