Nhiều HTX chăn nuôi đã vượt khó vươn lên, trở thành những HTX hàng đầu của tỉnh và cả nước. Doanh thu bình quân của các HTX chăn nuôi hiện đạt trên 800 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân người lao động đạt 3 - 5 triệu đồng/tháng. Tạo việc làm cho gần 800 thành viên và người lao động.
Hàng loạt điểm sáng
Điển hình như HTX Hợp Thịnh (huyện Cao Lộc), thành lập từ năm 2006, phát triển mô hình chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn. Nhờ chủ động liên kết với các hộ dân trong xã, HTX có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất an toàn, mở rộng quy mô.
Hiện, đàn lợn của HTX với gần 900 con nái sinh sản và gần 1.000 con lợn thịt đủ tiêu chuẩn xuất bán cho các doanh nghiệp chế biến. Sản xuất thuận lợi nên tính đến cuối năm 2017, doanh thu trung bình của HTX đạt 11 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động hiện ở mức bình quân 5 triệu đồng/tháng và được HTX hỗ trợ 100% chi phí ăn ở, sinh hoạt.
Bà Lý Bích Linh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, mục tiêu của HTX không chỉ dừng lại ở phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên, mà còn góp phần nâng cao an toàn lao động (ATLĐ), bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.
Cũng có thể kể đến HTX dịch vụ, chăn nuôi Thu Hiền (huyện Văn Quan), được thành lập từ cuối năm 2015 với đa ngành nghề, trong đó có chăn nuôi lợn. Đến nay, mỗi lứa, HTX nuôi khoảng 300 con lợn thịt. Với giá cả ổn định, HTX đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi lứa.
Xác định nếu chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ rất khó tạo được chuyển biến nên tháng 7/2016, HTX vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng đầu tư mua đất, xây dựng chuồng trại cùng một số công trình hạ tầng, đồng thời phát triển chăn nuôi an toàn, chú trọng ATLĐ, an toàn thực phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo thống kê, toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 30 HTX chăn nuôi. Riêng từ năm 2017 đến nay thành lập mới 8 HTX chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại. Một số HTX chăn nuôi điển hình như HTX Cấm Sơn (huyện Hữu Lũng), HTX nuôi gà Vạn Linh, HTX nuôi ong Vân Thủy (huyện Chi Lăng), HTX Nông nghiệp xanh (huyện Bắc Sơn)…
Các HTX chăn nuôi tại Lạng Sơn đang có những chuyển biến tích cực |
Chìa khóa thành công
Một trong những yếu tố then chốt giúp các HTX chăn nuôi tại Lạng Sơn “thay da đổi thịt” trong thời gian qua là nhờ chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, sang chăn nuôi an toàn, tập trung, chú trọng khoa học - kỹ thuật, ATLĐ, môi trường sinh thái.
Các HTX chăn nuôi ngày càng chú trọng đến đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, sản xuất hiện đại, chủ động hoàn thiện chuỗi sản xuất theo mô hình trang trại khép kín, đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn, từ lựa chọn giống, chăm sóc đến chế biến, tiêu thụ và xử lý chất thải.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất, người lao động HTX được trang bị kỹ thuật mới, kỹ năng sử dụng máy móc, kiến thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm nhằm phát huy tối đa hiệu quả sản xuất cũng như nâng cao tính an toàn trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh sản xuất an toàn, các HTX chăn nuôi đang chủ động đẩy mạnh liên kết trong sản xuất. Điển hình như sự liên kết của 9 HTX nông nghiệp trên địa bàn để thành lập Liên hiệp HTX Đông Bắc, đang tạo ra bước đột phá mới cho ngành chăn nuôi của tỉnh.
Ông Phạm Tiến Thành - Giám đốc Liên hiệp HTX cho biết: “Các HTX thành viên đều có thế mạnh riêng nên việc liên kết sản xuất sẽ góp phần nâng cao giá trị chăn nuôi. Các HTX cũng có nhiều điều kiện hơn để hoàn thiện chuỗi sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ cho thành viên, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Hưng Nguyên