Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Nam Định cho biết, đến nay, toàn tỉnh phát triển thành công 10 HTX dịch vụ chăn nuôi an toàn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn. Không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, các HTX đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao ý thức về sản xuất sạch, an toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh môi trường.
HTX Yên Lợi là mô hình kinh tế hợp tác đầu tiên trên địa bàn huyện Ý Yên đi tiên phong trong chuỗi sản xuất và kinh doanh thịt lợn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. HTX gồm 11 thành viên, hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Hướng đi của HTX tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua việc tổ chức lại quy mô sản xuất, phát triển sản xuất an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tiếp cận các dịch vụ đầu vào giá rẻ, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết: “Mặc dù phải đầu tư lớn, nhưng chăn nuôi theo mô hình khép kín có nhiều tính ưu việt. Về lâu dài, hình thức chăn nuôi này giúp giảm chi phí chăn nuôi, ổn định thị trường tiêu thụ, loại bỏ nguy cơ “khủng hoảng thừa”, đồng thời, đảm bảo ATLĐ, nâng cao sức khỏe cho thành viên trong quá trình chăn nuôi”.
Các HTX đang thúc đẩy xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn tại Nam Định |
Được thành lập từ năm 2016, HTX chăn nuôi Long Phú (xã Trực Thái, huyện Trực Ninh) đang tạo ra một cuộc “cách mạng” thay đổi phương thức chăn nuôi tại địa phương, từ tự phát, thiếu liên kết, giá cả, thị trường bấp bênh, chi phí sản xuất tăng cao… sang chăn nuôi khoa học, an toàn và cho hiệu quả vượt trội.
Anh Nguyễn Văn Thục - Giám đốc HTX chia sẻ: “Để phát triển sản xuất an toàn, HTX chủ động phối hợp với các đơn vị chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Cử thành viên tham gia các lớp tập huấn để bổ sung kiến thức về chăn nuôi, an toàn thực phẩm, ATLĐ”.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi lợn để tăng sức đề kháng, miễn dịch với các loại dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm “lợn sạch” cung cấp đến người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo ATLĐ cho thành viên, người chăn nuôi.
Nhận thấy vai trò quan trọng của các HTX trong phát triển chuỗi chăn nuôi an toàn, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, chủ trang trại tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; triển khai các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhân lực.
Tăng cường nghiên cứu thông tin thị trường, định hướng sản xuất; hỗ trợ kinh phí, đồng hành cùng các HTX, trang trại, gia trại tổ chức chương trình hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Đặc biệt, tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thành và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ; nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn phát triển bền vững.
Trọng Đại